
Đấy là thuở đầu tiên những vở kịch Xôviết xuất hiện trên sân khấu thủ đô, những kịch bản nói về nước Nga, những người Xôviết, những tính cách Nga nhưng do các diễn viên Việt Nam thể hiện.
Ôi nước nhà, ôi nước nhà...
Đấy là ca từ trong một bài hát Nga trữ tình da diết được thế hệ trẻ hồi ấy yêu mến, cùng với các ca khúc: Chiều Moskva, Đôi bờ, Kachiusa, Cây thùy dương, Cuộc sống ơi ta mến yêu người, cùng những tác phẩm văn học như: Thép đã tôi thế đấy, Những người Xôviết chúng tôi; các bộ phim: Khi đàn sếu bay qua, Người thứ 41, Số phận một con người… đã đi vào tiềm thức nam nữ thanh niên, và, nước Nga xa ngái bỗng gần gũi, thân thương nhường bao.

Cảnh trong vở kịch “Chuông đồng hồ điện Kremlanh”.
Mở đầu là vở Liuba của Đoàn kịch Trung ương ra mắt vào một đêm cuối thu năm 1958 trên sàn diễn Nhà hát Nhân Dân ( Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô ngày nay). Các hàng ghế xi măng của sân khấu ngoài trời ken đầy khán giả, nhiều người tràn cả ra đường lên lối xuống hồi hộp chờ đợi giây phút mở màn. Đây là vở kịch dài hơn hai tiếng đồng hồ, do chuyên gia đạo diễn người Nga V.Vaxiliép chỉ đạo nghệ thuật, trực tiếp tuyển chọn diễn viên của Đoàn kịch nói Trung ương. Chuyện kịch đề cập cuộc nội chiến khốc liệt ở một thành phố của nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười. Liuba-một cô giáo nông thôn trẻ trung xinh đẹp bâng khuâng đứng giữa hai dòng thác. Nhưng cuối cùng người phụ nữ trí thức ấy vượt qua mọi thử thách hiểm nguy đứng về phía cách mạng...
Cùng nội dung về Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, sau Liuba là Chuông đồng hồ điện Kremlanh, Người cầm súng, Khúc thứ ba bi tráng của tác giả Pôgôđin với hình tượng trung tâm-lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới, Vlađimia Ilích Lênin. Đoàn kịch Trung ương dàn dựng, biểu diễn, vở thứ nhất năm 1970, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Nghệ sĩ Can Trường là diễn viên Việt Nam đầu tiên vinh dự thể hiện vị lãnh tụ Lênin. Điều sáng tạo kỳ diệu của người nghệ sĩ Nam bộ ấy là từ phong cách, cử chỉ, giọng nói, bước đi, cái ngẩng đầu, khoát tay...rất Lênin nhưng cũng rất gần gũi với người xem Việt Nam.
Cả tình yêu trao cuộc sống...
Kịch bản viết về những trang sử oai dũng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô được tái tạo liên tiếp trên sân khấu thủ đô.
Có thể nào quên không khí hừng hực lửa cháy của các vở: Thanh niên cận vệ đội (Đoàn Bá đạo diễn), Đại úy Xaphônốp, Những người Nga do diễn viên Đoàn kịch Hà Nội trình diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn, rạp Đại Nam và ở các sân khấu ngoài trời ngoại ô...Gây dấu ấn hơn cả là vở Nila-Cô gái đánh trống trận của tác giả Xlưnxki, Đoàn kịch Trung ương dựng diễn.
Nila là đoàn viên Thanh niên Cômxômôn được lệnh len vào hậu phương tìm cách tiêu diệt một tên tướng Đức tàn bạo trong “ vỏ bọc” một cô gái tầm thường, lẳng lơ. Cô bị bao người khinh bỉ gọi là “cái nệm thịt của bọn Đức”, bị cả quân ta đề phòng, ngay cả Phêđô, chàng hồng quân đẹp trai hết lòng yêu cô cũng nghi ngờ...Để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho, Nila phải sống “hai trong một” với bao tâm trạng đối nghịch, yêu thương, tủi nhục, vui sướng, khổ đau, cô độc, hạnh phúc...
Không một ai hiểu cô. Chỉ có tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, tình yêu cuộc sống cháy bỏng mới cho người con gái mảnh dẻ ấy sức mạnh đến không ngờ... Khi cô bị ngã xuống bởi viên đạn bắn trộm của tên gián điệp, đúng lúc hồng quân dũng mãnh tiến vào giải phóng thành phố, mọi người mới bàng hoàng nhận ra sự trong trắng, anh hùng của Nila! Bài ca “Cô gái đánh trống trận” Nila thường hát thuở ấu thơ, những lúc cô đơn nhất, ngân lên, tấm màn nhung từ từ khép lại trong nỗi xúc động nghẹn ngào của hàng ngàn người xem. Hàng tháng trời nhà hát sáng đèn…
Nhập vai Nila, khi ấy Nguyệt Ánh mới 18 tuổi, mới từ mái trường đào tạo diễn viên bước vào sân khấu. Hình ảnh rực rỡ, kiêu hãnh của Nila-Nguyệt Ánh thao thức tâm hồn bao chiến sĩ trẻ trên đường ra trận.
Hình ảnh những con người Xôviết trong thời bình dựng xây đất nước với bao tấm gương dũng cảm tuyệt vời, bao mối tình yêu thương, trăn trở cũng làm rung động trái tim khán giả Việt Nam. Những vở như Masa (Kịch Hải Phòng), Tanhia (Kịch Hà Nội – đạo diễn Huỳnh Nga), Câu chuyện Iếccút, Platôn Crêtrét (Kịch Trung ương )... sao mà đắm say, quyến rũ đến thế.
Và từ các vở diễn này, một đội ngũ diễn viên hùng hậu hình thành, rất nhiều nghệ sĩ đã tỏa sáng, đã thành danh qua thể hiện tinh tế nhân vật kịch là những người Nga nồng hậu, đầy tính cách. Phong cách diễn xuất hiện thực tâm lý góp phần to lớn cho nền kịch nghệ nước nhà hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, ghi những dấu son trên con đường tạo lập một nền sân khấu tiên tiến, đậm đà bản sắc...
Cái thuở ban đầu ấy đâu dễ ai quên…
VŨ HÀ