
Đã thành thông lệ, gần 15 năm nay, cứ vào ngày mùng một Âm lịch hàng tháng, ông Nguyễn Đình Khoái lại lóc cóc đạp chiếc xe cà tàng từ nhà riêng ở KTT Nhà in Ngân hàng (ngõ Quan Thổ 1, Đống Đa, Hà Nội) đến 48 Tràng Thi, địa chỉ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - để đóng góp một khoản tiền nho nhỏ vào quỹ từ thiện.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1992. Lần ấy, ngồi xem chương trình truyền hình nói về các nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam/dioxin, cảm thông hoàn cảnh của những người bất hạnh ấy, ông quyết định góp chút sức mọn để chia sớt nỗi đau với các nạn nhân.

Ông Khoái cùng chiếc xe đạp cũ mèm rong ruổi đi góp tiền vào quỹ từ thiện.
Trích tiền lương hưu ra để làm từ thiện thì quá đơn giản, phải làm thế nào để việc làm này có ý nghĩa hơn. Sau cả ngày trời trăn trở, trong đầu ông lóe lên một ý tưởng độc đáo: bỏ hút thuốc lá để lấy tiền làm từ thiện. Ông Khoái tâm sự: “Trước đây, cứ 2-3 ngày tôi lại phải mua một bao thuốc.
Dù chỉ hút thuốc Souvenir với giá 2.000 đồng/bao nhưng tính ra, cả tháng tôi cũng đốt mất 20.000-30.000 đồng”. Nghiện hút thuốc, nên những cơn ho lụ khụ cứ bám riết lấy ông mỗi ngày nhưng “do hút đã lâu nên cũng lười cai, một phần nữa vì ích kỷ, không muốn thay đổi thói quen sống”. Từ khi nghĩ đến chuyện phải thường xuyên làm từ thiện bằng món tiền ít ỏi mua thuốc lá hàng tháng, ông Khoái đã có mục tiêu để thêm quyết tâm bài trừ cái sở thích tai hại của mình.
Chiến dịch nói không với thuốc lá bắt đầu bằng việc ông Khoái háo hức ra cửa hiệu thuốc tây nơi đầu ngõ nhờ tư vấn, rồi tha về cả chục vỉ kẹo cai thuốc lá. Hút thuốc gần hai chục năm trời, chất nicotine như đã ám vào máu nên đâu phải một sớm một chiều mà ông bỏ ngay được. Những ngày đầu, dù tìm đủ cách để không phải nhìn thấy thuốc lá, thậm chí là tránh nói đến hai từ “thuốc lá”, rồi bất cứ khi nào thấy thèm thuốc là ông vơ lấy vỉ kẹo mà nhai nhóp nha nhóp nhép; ấy thế mà trong người ông vẫn cứ bứt ra bứt rứt…
Nhưng đã quyết thì phải làm cho bằng được, ban đầu thì còn phải nhai kẹo nhưng dần dà, ông chỉ cần kiếm lấy một việc gì đó mà làm: xếp lại giá sách hay giúp bà lão quét nhà, nhóm bếp… thì cũng qua được cơn thèm thuốc. Hai tháng sau, ông Khoái chính thức hoàn thành việc tẩy hoàn toàn hai từ “thuốc lá” ra khỏi bộ nhớ của mình. “Bỏ được thuốc, những cơn ho biến mất, tôi ăn uống thấy ngon miệng hơn và sức khỏe tăng lên trông thấy. Bà ấy và mấy đứa con hể hả, khen tôi trẻ ra dễ đến mấy tuổi.” - ông Khoái cười hồn nhiên tâm sự.
Vậy là từ đó, tiền để mua thuốc lá đã được ông Khoái biến thành những đồng tiền hữu ích. Rồi không chỉ riêng khoản tiền dành mua thuốc lá, ông còn hào hứng trích lương hưu, số vốn tiết kiệm từ những khoản tiền con cháu biếu ông ăn quà sáng… dành để quyên góp ủng hộ người nghèo. Số tiền cứ tăng dần theo từng tháng. Ban đầu là 20.000 đồng, rồi tăng lên 30.000 đồng, 40.000 đồng và bây giờ là 50.000 đồng/tháng. Khoản tiền không phải là nhiều nhưng nó là cả tấm lòng nhân ái của ông đối với những người bất hạnh, là kỷ niệm đáng nhớ của ông lão bình dị và dễ mến này.
Vừa bỏ được thuốc lá, vừa góp phần cùng cả nước chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, thật đúng là nhất cử lưỡng tiện. Và điều ấy mới thật sự làm ông Khoái mãn nguyện. Và, chính vì vậy mà ông đã có những tấm bằng khen, giấy khen: Huy chương vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam, bằng khen về phong trào thi đua yêu nước của Hội chữ thập đỏ Việt Nam, bằng khen của UBND thành phố Hà Nội tặng vì tham gia tích cực vào công tác từ thiện nhân đạo… ken đầy trên bốn bức tường nhà.
Chia tay tôi, ông Khoái bảo: “Giờ mình đâm nghiện một việc, là cứ chờ đến cuối tháng để được đạp xe đến 48 Tràng Thi góp chút tiền ít ỏi vào thùng quyên góp từ thiện”. Rồi ông cười ha hả, đọc cho tôi nghe hai câu vần vè mà mình vẫn căn dặn con cháu: “Làm việc thiện giời đâu có phụ/ Dù đói, nghèo: con cháu nhớ mà theo”.
THẢO LƯ