Cạm bẫy

Chính lòng tham, thói lười lao động nhưng lại ham hưởng thụ của nhiều người đã trở thành “miếng mồi” cho những kẻ kinh doanh đa cấp trái phép gieo mầm, thu lợi bất chính.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hình thức mời chào, dụ dỗ của các tổ chức kinh doanh đa cấp trái phép ngày càng tinh vi, khó nhận biết. Cách đây nhiều năm, hình thức chủ yếu của các công ty đa cấp là bán sản phẩm kém chất lượng với giá cao; lôi kéo, dẫn dụ người khác tham gia bằng cách tổ chức các buổi gặp mặt trao thưởng hoành tráng. Còn gần đây, khi có nhiều mô hình kinh tế khởi nghiệp, nhất là nền tảng thương mại điện tử, các tổ chức kinh doanh đa cấp cũng nhanh chóng biến hóa thành “tắc kè hoa” với những cái tên mỹ miều như Thời gian Vàng, Thiên Rồng Việt, Aladdinz… cùng hướng đến đối tượng là sinh viên tìm việc làm thêm, muốn khởi nghiệp và doanh nhân trẻ, như tạo “sân chơi” cho startup muốn kết nối toàn cầu, giao dịch và chia sẻ cơ hội đầu tư các loại tiền điện tử thông qua ứng dụng internet, sàn giao dịch thương mại điện tử…

Tuy nhiên, dù với hình thức, chiêu trò nào thì các đối tượng kinh doanh đa cấp trái phép, trước tiên vẫn “đánh” vào lòng tham của người dân với bánh vẽ là khoản lợi nhuận kếch xù và cách kiếm tiền đơn giản, nhẹ nhàng. Tinh vi hơn, đánh vào tâm lý giới trẻ, các đối tượng này thường đưa lên mạng xã hội nhiều video, hình ảnh về cuộc sống “thượng lưu” với những bữa ăn cao cấp tại nhà hàng sang trọng, đi ô tô đắt tiền, trang phục hàng hiệu...

Nhưng sau mỗi vụ việc bị cơ quan chức năng phát hiện, chúng ta lại giật mình trước những con số thống kê về số người tham gia; số tiền bị lừa đảo, chiếm đoạt của vụ sau lớn hơn vụ trước. Chính lòng tham, thói lười lao động nhưng lại ham hưởng thụ của nhiều người đã trở thành “miếng mồi” cho những kẻ kinh doanh đa cấp trái phép gieo mầm, thu lợi bất chính.

Thực tế đã khẳng định, không có mô hình kinh doanh hay phát triển kinh tế nào có thể mang lại siêu lợi nhuận, giúp người tham gia chỉ cần ngồi chơi xơi nước, chờ “sung rụng”. Kết quả điều tra các vụ việc cho thấy, đối tượng chủ mưu lừa lấy tiền của người tham gia sau để tiêu xài cá nhân, mua bất động sản và trích một phần trả cho những người tham gia trước nhằm tạo lòng tin. Đến khi hết khả năng chi trả thì đánh sập website rồi nhanh chóng “cao chạy xa bay”.

Để không sập bẫy đa cấp, rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, thậm chí vướng vào vòng lao lý, trước hết mỗi người phải luôn cảnh giác trước những lời mật ngọt, công việc kiếm tiền quá dễ. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần xem xét sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm chặt chẽ để quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh đa cấp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tin cùng chuyên mục