“Đường về quê ngoại”

Cảm ơn một chữ “nhân” viết hoa!

Tôi vốn không thiện cảm với phim Hàn Quốc. Chẳng phải vì chuyện phim không hay, diễn viên đóng dở mà đơn giản chỉ vì truyền hình lên sóng phim Hàn Quốc nào là ra đường tôi gặp ngay những “diễn viên đóng thế”: những bản sao giống đến kinh ngạc từ mái tóc, màu mắt, màu môi, áo quần… đến bộ điệu! Nhưng với “Đường về quê ngoại” thì tôi biết mình đã bất công với điện ảnh Hàn Quốc…

Một con đường nối thủ đô Xê-un với một làng quê xa xôi nào đó. Đường cứ dài thăm thẳm, phố phường tráng lệ bỏ lại sau lưng và những xóm thôn nghèo hiện ra, trôi buồn hiu qua ô cửa xe. Không phải xe máy lạnh đời mới đâu. Nó cũ kỹ như những chiếc xe đò cổ lỗ, thân thiết của đất Quảng yêu thương mà tôi giữ hoài trong ký ức tuổi thơ. Khách nhà quê ồn ào, gà qué bay táo tác. Hai mẹ con ngồi bên nhau như bức tranh ghép gỗ vụng về. Thằng bé hiếu động, cách nói năng có cái gì đó “thiếu được dạy dỗ”. Người mẹ chừng đôi mươi – quá trẻ - mà sự phiền muộn đầy ứ đến nỗi cô luôn đắm chìm trong buồn bã và mở miệng ra là gắt gỏng đứa con bé bỏng. Xe dừng, bỏ lại hai mẹ con giữa ngã ba vắng tanh và đầy nắng bụi.

Ôi, đường về quê ngoại sao mà xa thế! Quê ngoại sao mà nghèo thế! Hình như ngoại già lắm, lại câm nữa! Đứa bé phụng phịu giậm đôi bàn chân trẻ con quen đi trên đường nhựa thủ đô trên đất làng gập ghềnh. Bà–mẹ–trẻ-con cáu lên đánh cho thằng nhóc vài phát rồi mỏi mệt lôi nó đi về ngôi nhà mà vài năm trước cô đã bỏ đi theo... tiếng gọi tình yêu.

Ngôi nhà của ngoại San Woo giống hệt cái tổ chim tả tơi sau mấy mùa giông bão! Lưng bà cong gập như khúc quanh đường làng. Mặt bà răn reo như đất ruộng mùa đại hạn. Bà không nói được chỉ đưa ánh mắt mờ đục, u ẩn, nhẫn nhục nhìn con gái rồi nhìn cháu ngoại. Bà không bao giờ cười – có lẽ từ xưa lắm hạnh phúc và những cái gì tương tự như hạnh phúc đều đã bỏ bà mà đi!

San Woo chán ngán ngồi nghe mẹ nó nói chuyện với ngoại. Rằng 17 tuổi mẹ có San Woo và người mà nó gọi là cha đã bỏ đi rồi. Rằng mẹ gởi San Woo cho ngoại để mẹ về Xê-un tìm việc làm. Và mẹ đi! Thằng bé bị sốc mạnh trong căn-nhà-tổ-chim. Câu đầu tiên nó nói với ngoại là “Bà dơ lắm!”. Cũng may bà không còn nước mắt nếu không đôi mắt bà sẽ ướt suốt ngày vì đứa cháu dại khờ, nóng nảy như mẹ nó, bướng bỉnh như chú lừa non. Nó bực mình vì ngoại nó “cái gì cũng không biết”. Nó chán bọn trẻ nhà quê lam lũ, cảnh nhà quê buồn hiu.

Nhưng kìa! Cái làng quê heo hút mà đầy ắp tình người. Bà ngoại nghèo xác xơ, không biết chữ, không biết nói, không biết bánh chocopie, gà rán Kentucky là gì lại chảy nhẹ vào lòng nó dòng suối dịu dàng cùa lòng nhân ái bao dung mà từ thuở mở mắt chào đời – cha bỏ rơi, mẹ chìm ngập trong nỗi đau - nó chưa từng được hưởng!

Khi đứa-trẻ-thủ-đô bị chú bò rượt chạy trối chết, té lăn lóc và chạy tới bà ngoại khóc òa nức nở thì áo bà vẫn đầy mụn vá, lưng bà vẫn còng gập xuống như khúc quanh đường làng, nhưng bà trong đôi mắt nó thực sự cao lớn, vĩ đại, thừa sức chở che cho đứa cháu cưng. Trái tim bướng bỉnh của đứa trẻ đã mềm ra bên trái tim dào dạt tình yêu của ngoại!

Mẹ tìm được việc làm nên về quê đón San Woo. Mẹ ngọt ngào hơn với ngoại vì cảm nhận được những điều lớn lao bà đã trao cho cả hai mẹ con.

Buổi tối trước khi về Xê-un, biết mắt ngoại kém nên San Woo ngồi xỏ chỉ sẵn vào nhiều cây kim cho bà vá áo – một công việc mà mới đây mỗi lúc bà nhờ là nó cáu kỉnh càu nhàu; ngoại không biết chữ nên San Woo thức suốt đêm viết sẵn địa chỉ trên bì thư, vẽ nhiều bức tranh và thổn thức dặn bà: hình vẽ này là bà đang ốm; hình vẽ này là bà nhớ San Woo lắm... và bà sẽ lấy đó làm thư gởi cho San Woo khi bà muốn San Woo về gấp với bà.

Vâng, đường về quê ngoại vẫn xa nhưng bây giờ với San Woo đó là con đường ngắn nhất! Chiếc xe cũ kỹ đưa San Woo và mẹ rời làng, bỏ lại phía sau con đường về quê ngoại. Nhưng qua đôi mắt mờ lệ của đứa cháu nhìn bà qua ô kiếng xe, chúng ta hiểu trái tim trẻ thơ của nó vẫn ở lại cùng bà như ngọn lửa yêu thương không bao giờ tắt.

Cuộc sống của hai mẹ con San Woo chắc hẳn còn nhiều khó khăn. Rất có thể San Woo không được vào đại học, sẽ lao động kiếm sống cực nhọc giữa một thủ đô phồn hoa của thế giới hàng hiệu, của những dòng xe hơi bóng lộn trôi đi không ngừng nghỉ... nhưng tâm hồn San Woo vẫn còn đó nguồn mạch tình người – tình yêu mà quê ngoại và bà ngoại đã khơi dòng cho San Woo ngày thơ bé.

Khi hàng chữ cuối cùng “Xin tặng các bà nội, bà ngoại” hiện lên màn hình thì người xem chỉ còn có thể lặng đi trong nước mắt! Bà mẹ quê mùa Hàn Quốc giống vô cùng bà mẹ quê mùa Việt Nam - cả một đời “nước mắt chảy xuôi”.

Phim chỉ có hai nhân vật chính (bà cháu San Woo), vài nhân vật phụ, tất cả diễn viên đều rất “nghiệp dư”. Hình như họ không diễn trước máy quay mà đang sống cuộc đời của chính họ!

Đây là một bộ phim hay và chắc chắn kinh phí làm phim rất thấp. Không có bất cứ kiểu tóc, màu son, kiểu quần áo nào đáp ứng được nhu cầu trang điểm “đẹp” và “gợi” để các bà, các cô “học và làm theo phim”.

Mẹ của San Woo trong bi kịch hôn nhân và quẫn bách mưu sinh giữa thủ đô Xê-un tuyệt nhiên không gợn ý nghĩ bán thân và suốt bộ phim cũng không có ông chủ giàu có hay Bạch mã hoàng tử nào xuất hiện (những tình tiết thường được một số đạo diễn ta và Hàn Quốc “tin dùng”). Nhưng toàn bộ phim là một chữ “NHÂN” viết hoa. Vâng, không “chân dài”, cảnh “nóng”; không dao, súng; không “ma cỏ”; không “anh và người đó em chọn ai”... Đường về quê ngoại vẫn tuyệt vời!

Cảm ơn bà - đạo diễn Lee Jeong Hyan! 

NGUYỄN THỊ KỲ

Tin cùng chuyên mục