Thông tin mới nhất cho thấy, quyết tâm của TP Hà Nội khi địa phương này lần đầu tiên đình chỉ hoạt động số lượng rất lớn - 892 quán karaoke - không bảo đảm các điều kiện về PCCC trên địa bàn. Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã công khai trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng danh sách các điểm kinh doanh karaoke không bảo đảm điều kiện về an toàn PCCC. Trong danh sách 892 quán karaoke này, số quán vi phạm các quy định về PCCC chủ yếu tập trung ở ngoại thành. Trong khu vực nội thành, quận Đống Đa đứng đầu danh sách với 40 cơ sở vi phạm. Quận Cầu Giấy (nơi xảy ra vụ cháy quán karaoke 68 làm 13 người chết hồi cuối năm 2016) là địa bàn có số quán karaoke vi phạm PCCC ít nhất, với 4 trường hợp. Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã có công văn về việc thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Thành ủy trong công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn.
Kinh doanh dịch vụ giải trí, tập trung đông người như vũ trường, karaoke là một trong những loại hình tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy nổ. Những năm gần đây, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ liên quan đến cơ sở kinh doanh karaoke, gây thiệt hại lớn cả về người và tài sản. Chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, nhà hàng... tồn tại nhiều vấn đề đáng báo động. Đặc biệt, trang bị hệ thống báo cháy chưa đúng quy định, nhân viên chưa được tập huấn về công tác PCCC tại chỗ; không có bồn chứa nước chữa cháy theo đúng dung lượng đã được quy định; đường thoát nạn và thang dây chưa có…
Trên thực tế, thực trạng điểm kinh doanh karaoke trên địa bàn các tỉnh thành lớn, đông người dân tập trung như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương… không đủ điều kiện về an toàn PCCC đã diễn ra từ lâu. Thiết kế và hoạt động ờ các quán karaoke này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ và nếu không quản lý, khắc phục tốt thì hậu họa sẽ khôn lường.
Nói về những bất cập này, đại diện Cục Cảnh sát PCCC, Bộ Công an, cho biết tồn tại của những quán kinh doanh karaoke hiện nay thường rơi vào các nhóm vấn đề về hạ tầng; một số cơ sở kinh doanh karaoke ở trong các hẻm, ngõ cũng ảnh hưởng về phần giao thông phục vụ chữa cháy, nguồn nước có hạn chế; nhiều quán karaoke chuyển công năng từ nhà dân sang nên ảnh hưởng về lối thoát nạn; đặc biệt là các bảng quảng cáo lớn đặt trên cao trước mặt quán karaoke đã cản trở lối thoát nạn và khả năng chữa cháy của lực lượng cứu nạn cứu hộ.
Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP tại nhiều địa bàn ở TP Hà Nội cũng như TPHCM cho thấy, không ít nơi, ngoài chưa đủ điều kiện về PCCC, nhiều cơ sở karaoke còn treo biển hiệu vượt kích thước quy định, trang trí hệ thống đèn chiếu sáng chằng chịt, ảnh hưởng cảnh quan chung, cản trở quá trình thoát hiểm và nguy cơ gây cháy nổ cao.
Thiết nghĩ, trước những nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh karaoke, để tránh thiệt hại xảy ra, bên cạnh việc tuyên truyền, tăng cường xử lý, rất cần các biện pháp nghiêm khắc hơn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trong lúc chờ các biện pháp chế tài mạnh bổ sung, cách làm quyết liệt và công khai của TP Hà Nội đã được người dân đánh giá cao, rất cần được nhân rộng.