Cần chế tài hình sự trường hợp doanh nghiệp né tránh tạo lập quan hệ lao động

Các chuyên gia đề nghị, pháp luật cần tăng mạnh chế tài xử phạt hành chính, hoặc đưa ra chế tài hình sự trong trường hợp doanh nghiệp cố tình né tránh tạo lập quan hệ lao động.


Ngày 12-1, Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức hội thảo một số vấn đề pháp lý về hợp đồng có yếu tố lao động trong các quan hệ dân sự và thương mại.

Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút đông đảo chuyên gia pháp luật trong cả nước tham dự.

Cần chế tài hình sự trường hợp doanh nghiệp né tránh tạo lập quan hệ lao động ảnh 1 Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Trường Đại học Luật TPHCM ngày 12-1

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Bình An, Khoa Luật, Trường Đại học Bình Dương trình bày tham luận về nhận diện người làm việc không có quan hệ lao động tại doanh nghiệp trong luật pháp một số quốc gia trên thế giới và một số gợi mở hoàn thiện pháp luật Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Bình An, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0, các loại hình lao động trở nên đa dạng và tạo nên những thách thức mới đối với khuôn khổ pháp luật lao động hiện hữu tại các quốc gia trên thế giới.

Thực tế không thể phủ nhận là tồn tại hàng triệu người làm việc tự do trên thế giới và tại Việt Nam. Đơn cử có khoảng 600.000 tài xế công nghệ đang làm việc tại 3 hãng xe công nghệ lớn nhất Việt Nam với rất nhiều loại dịch vụ do người làm việc tự do cung cấp cho doanh nghiệp.

Do đó, việc thiết kế các quy phạm pháp luật với những tiêu chí rõ ràng nhằm phân loại người làm việc không có quan hệ lao động thành 2 nhóm cụ thể là người tự doanh độc lập (nhà thầu độc lập) – người tự doanh phụ thuộc (nhà thầu phụ thuộc), là điều cần thiết, điều chỉnh kịp thời những quan hệ xã hội trong lĩnh vực lao động từ thực tiễn.

Ngoài ra, nhà làm luật cũng cần thiết lập cơ chế tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho nhóm người làm việc không có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp bên cạnh cơ chế bảo hiểm tự nguyện.

Cần chế tài hình sự trường hợp doanh nghiệp né tránh tạo lập quan hệ lao động ảnh 2 Các chuyên gia pháp luật góp ý về các vấn đề pháp lý về hợp đồng có yếu tố lao động trong các quan hệ dân sự và thương mại
Cần chế tài hình sự trường hợp doanh nghiệp né tránh tạo lập quan hệ lao động ảnh 3 PGS.TS Trần Hoàng Hải, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM phát biểu 
Cần chế tài hình sự trường hợp doanh nghiệp né tránh tạo lập quan hệ lao động ảnh 4 Các chuyên gia nêu ra nhiều kinh nghiệm trong và ngoài nước, gợi mở các giải pháp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ hợp đồng lao động, TS. Nguyễn Bình An đề xuất Bộ Luật Lao động cần được sửa đổi, bổ sung quy định về người làm việc không có quan hệ lao động theo hướng có sự phân loại với những tiêu chí rõ ràng về nhà thầu độc lập – nhà thầu phụ thuộc.

“Pháp luật cũng cần tăng mạnh chế tài xử phạt hành chính, hoặc đưa ra chế tài hình sự trong trường hợp doanh nghiệp cố tình né tránh tạo lập quan hệ lao động. Bộ Luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cần được sửa đổi, bổ sung quy định, tiêu chí, chế tài cụ thể nhằm hạn chế sử dụng những người tự doanh không thật, hoặc sử dụng những dạng hợp đồng dân sự - thương mại, nhằm che giấu quan hệ lao động”, TS. Nguyễn Bình An đề nghị.

Trong khi đó, Thạc sĩ Đặng Thái Bình và Thạc sĩ Lê Ngọc Anh (Trường Đại học Luật TPHCM) nêu một số tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá hợp đồng là thuộc sự điều chỉnh của pháp luật lao động (hợp đồng lao động) hay dân sự (hợp đồng dân sự). Cụ thể là về chủ thể trong hợp đồng và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên; tính liên tục của việc thực hiện nghĩa vụ; nội dung có thể hiện việc trả công, tiền lương…

Chuyên gia luật cho rằng, việc phân định rõ ràng không chỉ nhằm bảo vệ cho người lao động ở vị trí yếu thế trong thương lượng hợp đồng công việc, mà còn giúp tránh thất thoát những khoản đóng góp cho xã hội (như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội…). Chuyên gia đánh giá, những hợp đồng công việc dân sự “trá hình” sẽ tước đi lợi ích về ngày nghỉ, lương tối thiểu, hay thời hạn báo trước khi nghỉ - khiến nhiều người lao động mắc kẹt trong hợp đồng thu nhập thấp và hầu như không có đảm bảo việc làm.

Thêm vào đó, việc xác định quan hệ lao động là một phân loại pháp lý quan trọng, không chỉ cho Luật Lao động, mà còn cho Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bồi thường thiệt hại, Luật hình sự, Luật thuế, Luật Tố tụng dân sự.

Tin cùng chuyên mục