Tiêu thụ gia cầm sạch

Cần chủ trương đúng và giải pháp căn cơ

Cần chủ trương đúng và giải pháp căn cơ

98% gia cầm sạch bệnh (lên đến hàng trăm triệu con) không tiêu thụ được do thị trường gia cầm bị đóng băng vì người tiêu dùng lo ngại. Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (CNGCVN), trước khi dịch bệnh xảy ra, mỗi tháng cả nước có khoảng 40 triệu gia cầm (60.000 tấn thịt), trị giá 900 tỷ đồng và 300 triệu quả trứng, tương đương 240 tỷ đồng được tiêu thụ trong cả nước.

Nếu thị trường gia cầm sạch bệnh bị đóng băng kéo dài đến tháng 3-2006 (thời điểm dịch cúm lắng dịu) con số thiệt hại có thể lên đến 5.700 tỷ đồng và khoảng 250.000 hộ chăn nuôi điêu đứng.

  • Cần có chủ trương đúng
Cần chủ trương đúng và giải pháp căn cơ ảnh 1

Bộ Trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát (giưã) tại buổi chiêu đãi sản phẩm gia cầm của tỉnh Đồng Nai.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Giàu, chủ trương của Nhà nước hỗ trợ 15.000 đồng/con gia cầm vì dịch bệnh phải tiêu hủy, nhưng gia cầm buộc phải tự hủy vì không tiêu thụ được chỉ hỗ trợ 10.000 đồng/con, chẳng khác nào, nơi kiểm soát kém bị dịch bệnh được hỗ trợ cao hơn nơi làm tốt. Ngay cả phương án hỗ trợ tiêu hủy gia cầm sạch bệnh cũng cần xem xét lại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng thay vì hỗ trợ người nuôi tự tiêu hủy, cần sử dụng nguồn kinh phí này hỗ trợ doanh nghiệp mua và giết mổ để cấp đông, dự trữ. Nếu tiêu hủy là phí phạm.

Phòng chống là nhiệm vụ số một, nhưng số phận của hàng triệu người nuôi gia cầm có thể bị phá sản cũng là nhiệm vụ cấp bách.

Ông Châu Nhựt Trung, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ (TPHCM) - 1 trong 2 công ty mua, giết mổ và dự trữ gia cầm sạch bệnh - cho rằng, nhà nước phải tốn kinh phí hủy gia cầm sạch bệnh, lại còn ảnh hưởng môi trường ô nhiễm, nhất là khi vùng đồng bằng sông Cửu Long đang ngập chìm trong nước lũ.

Kinh phí này có thể hỗ trợ doanh nghiệp mua, giết mổ để cấp đông và dự trữ. Với cách làm này, có thêm nguồn dự trữ thực phẩm cho xã hội, cân bằng nguồn thực phẩm cho dịp lễ Tết, không gây ra những biến động lớn trên thị trường…

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát thừa nhận thiếu sót này và cho biết, đã trình lên Thủ tướng Chính phủ chính sách khuyến khích tiêu thụ gia cầm, dựa trên cách làm của TPHCM đối với các doanh nghiệp mua, giết mổ và dự trữ trong hoàn cảnh gia cầm khó tiêu thụ.

Theo Tiến sĩ Trần Công Xuân, Chủ tịch Hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cần nhanh chóng xây dựng các lò giết mổ tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và hỗ trợ các cơ sở tổ chức tiêu thụ sản phẩm gia cầm sạch bệnh thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng….

  • Và giải pháp căn cơ

Về lâu dài, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cần quy hoạch lại chăn nuôi (không nuôi nhỏ lẻ), giết mổ tập trung, có bao bì và thương hiệu rõ ràng. Bên cạnh đó phải có hệ thống thú y thật sự mạnh để kiểm soát và kiểm dịch.

Tỉnh Đồng Nai nêu lên tình trạng khập khiễng trong chăn nuôi, tổng đàn gia cầm của tỉnh khi cao điểm lên đến 13,5 triệu con, nhưng chỉ có 2 cơ sở giết mổ tập trung công suất thấp và thiếu cơ sở cấp đông khi cần dự trữ.

Qua 3 mùa dịch cho thấy không chỉ quy hoạch lại chăn nuôi, giết mổ tập trung mà còn phải có kho lạnh dự trữ khi người tiêu dùng quay lưng với gia cầm. Tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ và Chính phủ cho phép sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ tự nguyện tiêu hủy gia cầm đầu tư một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền giết mổ, hệ thống cấp đông để thu mua, giết mổ và trữ đông gia cầm sạch bệnh.

Theo Chủ tịch Tập đoàn CP Việt Nam, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, sản phẩm gia cầm của Thái Lan vẫn được người tiêu dùng trong nước tiêu thụ một cách bình thường và xuất khẩu sang các nước dù Thái Lan cũng xảy ra dịch cúm như Việt Nam.

Vì gia cầm được kiểm dịch và quản lý một cách chặt chẽ theo quy trình khép kín từ giống bố mẹ, con giống 1 ngày tuổi, quá trình nuôi cho đến khi xuất chuồng đều được kiểm tra định kỳ theo những quy định rất nghiêm ngặt. Một số công ty tại Việt Nam đã làm được điều này, trong đó có CP Việt Nam.

Thực tế những ngày qua cho thấy, khi người tiêu dùng được cung cấp những thông tin nơi bán gia cầm sạch bệnh, sẽ sẵn sàng mua trở lại, như ở TP Hà Nội và TPHCM. Chủ trại gà (trên 110.000) Phạm Thị Tám huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết sau khi doanh nghiệp TPHCM mua, giết mổ và đông lạnh gia cầm sạch bệnh, thị trường gia cầm chuyển động và nhích lên hơn 1 tuần nay, từ 3.000đ – 4.000đ/kg lên 7.000đ – 8.000 đ/kg gà công nghiệp và trứng từ 300đ/quả lên 800đ/quả. Bởi TPHCM vẫn là thị trường tiêu thụ chủ yếu của các tỉnh trong khu vực.

Không thể nói dịch cúm gia cầm sẽ không tái phát những năm tới, vì vậy, khi nào chưa thực hiện những giải pháp và mô hình đảm bảo gia cầm sạch bệnh thì người tiêu dùng vẫn chưa có niềm tin để tiêu thụ và người chăn nuôi vẫn tiếp tục kêu cứu.

CÔNG PHIÊN 

 

Tin cùng chuyên mục