Như Báo SGGP đã đưa tin, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các trạm thu phí dự án BOT trên hệ thống quốc lộ trong phạm vi cả nước đến thời điểm hiện nay. Theo đó, hiện trên các tuyến quốc lộ có 96 trạm đang thu phí và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng (đã ký hợp đồng BOT). Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, phí BOT là để hoàn vốn cho nhà đầu tư bỏ tiền ra, để bảo trì, sửa chữa cho chính dự án đó; còn phí thu trên đầu phương tiện (Quỹ Bảo trì đường bộ) là để bảo trì, sửa chữa những đường do Nhà nước đầu tư, không bao gồm dự án BOT, các đường chuyên dụng (vào cảng than, nhà máy thủy điện..). Như vậy là không có việc phí chồng phí. Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, chúng ta cần hiểu rõ rằng, nhờ có những tuyến đường BOT mà người dân được tham gia giao thông ít thời gian hơn, an toàn hơn, sức khỏe tốt hơn. Đơn cử như đối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, ước tính giảm 50% thời gian đi lại, giảm khoảng 30% chi phí; quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại, giảm khoảng 20% chi phí; đối với quốc lộ 14 (đoạn từ Pleiku - Cầu 110) tỉnh Gia Lai, lợi ích mang lại khoảng 244 tỷ đồng/năm, trong khi doanh thu từ thu phí sử dụng đường bộ khoảng 167 tỷ đồng/năm; đối với quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông, lợi ích mang lại khoảng 104 tỷ đồng/năm, trong khi doanh thu từ thu phí sử dụng đường bộ khoảng 79 tỷ đồng/năm… “Tuy nhiên, chúng tôi nhận trách nhiệm là đã không tuyên truyền đến nơi đến chốn làm dư luận hiểu nhầm. Không phải cái gì làm tốt cho dân là được đồng thuận ngay nếu khâu tuyên truyền không tốt”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.
Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, việc huy động các nguồn lực trong nước để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một hướng đi chung, đã mang lại hiệu quả trên mọi phương diện. Còn vấn đề phí thì phải tính thế nào cho hợp lý. “Việc người dân phàn nàn có quá nhiều trạm thu phí, phí chồng phí thì trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ GTVT là phải tuyên truyền rõ cho dân biết. Mục tiêu chung là phải hài hòa các loại lợi ích”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội hoan nghênh Chính phủ đã tạo ra được cơ chế để bảo đảm đầu tư cho hạ tầng ngoài ngân sách. Trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn thì đó là một hướng đi rất hiệu quả. Tuy nhiên, khi thực hiện chủ trương đó mà nhận được sự phàn nàn về phí BOT từ người dân thì Chính phủ, Bộ GTVT phải lắng nghe để kịp thời giải thích cho dân hiểu. “Tương tự như việc Quốc hội vừa qua phải bàn về việc sửa Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi một bộ phận người dân có ý kiến thì Chính phủ phải lắng nghe và đề xuất lên Quốc hội giải quyết bức xúc đó”, ông Uông Chu Lưu nhận xét. Theo quan điểm của ông Uông Chu Lưu, khi các nhà đầu tư vào xây dựng những tuyến đường cao tốc thì đương nhiên, người dân được hưởng dịch vụ cao cấp hơn nên phải trả phí. Vấn đề còn lại là Chính phủ phải hướng dẫn về thời gian, mức thu phí, điều kiện thu phí... và công khai đến mọi người dân, qua đó tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, giảm được nghi ngờ về việc người dân phải chịu gánh nặng giao thông vì phí chồng phí.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng, chuyển nhượng quyền khai thác đường sá, sân bay, cảng biển… là giải pháp hay nhưng không được để tạo ra độc quyền, phát sinh gánh nặng cho người dân. “Không thể để người dân phải gánh những mức phí bất hợp lý hoặc để chủ đầu tư, khai thác nâng phí vô tội vạ, mà con đường đó là tuyến bắt buộc phải đi. Trên thực tế, có những đoạn đường cần phải rà soát lại, có những trạm thu phí phải kiểm tra tính hợp lý khi người dân bức xúc phản ánh”, ông Nguyễn Văn Phúc nói
LÂM NGUYÊN
>> Vì sao trạm thu phí vẫn dày đặc?