Cần cổng thông tin để người dân đăng ký chữ ký số thuận tiện hơn

TPHCM đã triển khai cho người dân đăng ký chữ ký số và sau 1 tháng, số lượng đăng ký vẫn còn khiêm tốn, sự quan tâm của người dân chưa nhiều…

PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, xung quanh vấn đề này.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM

* PHÓNG VIÊN: Hiện TPHCM đã cấp 11.160 chữ ký số cho tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức. Còn với người dân, việc triển khai cấp chữ ký số ra sao, thưa bà?

* Bà VÕ THỊ TRUNG TRINH: Qua gần 1 tháng triển khai, TPHCM đã cấp miễn phí 6.106 chữ ký số cho người dân. Việc cấp chữ ký số được thực hiện trên địa bàn 22 quận huyện, TP Thủ Đức và thực hiện theo nhu cầu của người dân khi giao dịch với cơ quan nhà nước.

* Thực tế nhiều người dân vẫn chưa biết đến đâu và cần làm các thủ tục nào để được cấp chữ ký số. Việc đăng ký có thể thực hiện trực tuyến không?

* Sở TT-TT TPHCM đang phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện tổ chức cung cấp miễn phí chữ ký số cá nhân cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Người dân có thể đến UBND TP Thủ Đức và UBND các quận, huyện để được cấp. Bên cạnh đó, sở tổ chức các gian hàng cung cấp miễn phí chữ ký số cá nhân trong loạt sự kiện như: Tuần lễ Sách của người làm báo từ ngày 17 đến 22-6-2023 tại Đường sách thành phố; Hội sách quốc tế; Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024...

Khi thực hiện cấp chữ ký số, người dân cần chuẩn bị căn cước công dân và điện thoại thông minh để đăng ký. Hiện TPHCM chưa thiết lập 1 cổng thông tin chung kết nối các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký để có thể đăng ký trực tuyến chữ ký số miễn phí. Sở TT-TT TPHCM sẽ nghiên cứu, triển khai cổng thông tin chung này trong thời gian sớm nhất để tạo thuận tiện hơn cho người dân hơn khi đăng ký cấp chữ ký số.

* So với các tỉnh, thành khác, TPHCM triển khai cấp chữ ký số cho người dân chậm hơn, bà có thể cho biết nguyên nhân?

* Việc tổ chức cấp chữ ký số miễn phí cho cá nhân theo kế hoạch phối hợp giữa TPHCM, Trung tâm Chứng thực quốc gia và các nhà cung cấp dịch vụ. TPHCM là địa bàn đông dân nhất nước và đã tổ chức thực hiện cấp chữ ký số đầu tiên cùng với TP Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái. TPHCM đã triển khai chữ ký số trong giao dịch từ sớm đối với các tổ chức, doanh nghiệp do nhu cầu giao dịch cao trên môi trường điện tử (100% doanh nghiệp, tổ chức đều có sử dụng chữ ký số), tuy nhiên việc sử dụng chữ ký số đối với cá nhân còn rất mới và nhu cầu cũng chưa cao.

Trong thời gian tới, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết các thủ tục hành chính, từ đó nhu cầu sử dụng chữ ký số có lẽ tăng trong thời gian tới.

Người dân đăng ký chữ ký số tại UBND quận Phú Nhuận (TPHCM)

Người dân đăng ký chữ ký số tại UBND quận Phú Nhuận (TPHCM)

* Nhiều ý kiến cho rằng để đưa chữ ký số đến được toàn dân, cần thiết phải triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy những dịch vụ cần đến chữ ký số cá nhân?

* Triển khai chữ ký số đến người dân không phải là một nhiệm vụ dễ dàng có thể thực hiện một sớm một chiều. Để đạt được mục tiêu đưa chữ ký số đến toàn dân, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và chính sách hỗ trợ. Trong đó, việc đầu tiên là phải thực hiện chuyển đổi số từ các cơ quan nhà nước, tổ chức và nhà cung cấp dịch vụ công trước. Khi đó, ở cơ quan nhà nước là chuyển đổi từ mô hình truyền thống giấy tờ sang làm việc trên môi trường số, hướng dẫn để người dân hiểu và sử dụng chữ ký số thành thục.

Đối với người dân và doanh nghiệp, tính đơn giản và dễ sử dụng luôn phải đặt lên hàng đầu, cùng với tính an toàn, bảo mật. Vì thế, giao diện và quy trình sử dụng chữ ký số phải được thiết kế đơn giản, dễ sử dụng, tạo được niềm tin nơi người sử dụng, đồng thời cần có biện pháp bảo mật hiệu quả chữ ký số.

"Ký số là quá trình sử dụng chữ ký điện tử để xác minh danh tính và toàn vẹn của tài liệu điện tử. Khi người dân sử dụng ký số, có nhiều lợi ích quan trọng vì có thể thực hiện ở bất cứ địa điểm nào có kết nối internet. Người dân không cần in ấn, gửi bản giấy, giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Trong việc bảo mật và xác thực, ký số cung cấp một cách thức bảo mật và xác thực cao hơn so với chữ ký giấy thông thường. Ký số cho phép các bên liên quan kiểm tra và xác minh dễ dàng danh tính và chữ ký của người ký".

Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Võ Thị Trung Trinh

* Chính sách miễn phí 1 năm với người dân đăng ký dùng chữ ký số vẫn còn làm nhiều người băn khoăn. Trong khi đó, Sở TT-TT Hà Nội đang tích cực tìm chủ trương để miễn phí dài hạn với người dân dùng chữ ký số. TPHCM sẽ có chính sách gì đặc thù hơn không, thưa bà?

* Như tôi đã trao đổi ở trên, việc triển khai chữ ký số đến người dân đòi hỏi sự đồng bộ và các giải pháp kết hợp. TPHCM cần đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện từ các cơ quan nhà nước, tổ chức đơn vị cung cấp dịch vụ. Điều đó đồng nghĩa tạo ra không gian, môi trường và cả lòng tin để người dân và doanh nghiệp sử dụng chữ ký số và chữ ký số phát huy được hiệu quả tối đa.

Muốn chuyển đổi số thành công thì TPHCM cần có rất nhiều “công dân số”. Khi các giải pháp trên được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, lợi ích mang lại cho người dân sẽ là rất lớn.

Tin cùng chuyên mục