Vậy là đêm chung kết xếp hạng của cuộc thi “Duyên dáng truyền hình” do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức đã khép lại. Thật thú vị khi ngồi trước màn ảnh nhỏ, xem phát sóng trực tiếp cuộc thi tài của 17 cô gái duyên dáng và tài năng, đến từ 16 đài phát thanh – truyền hình ở nhiều vùng miền trong cả nước. Tuy nhiên, lúc chương trình kết thúc cũng là lúc tôi cảm thấy lấn cấn, khi nhớ lại một điểm trong phần thi “ứng xử” của một trong 5 thí sinh.
MC Q.H., khi “truy vấn” một thí sinh đã đặt câu hỏi về ý nghĩa của hai chữ “đồng bào”, thì thí sinh này đã trả lời bằng cách... trích dẫn các câu ca dao tục ngữ, như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng...”, như “Lá lành đùm lá rách”... “Truy” tiếp vẫn không ăn thua, cuối cùng MC Q.H. đành “bổ sung kiến thức” bằng lời giải thích: “Đồng” là cùng, còn “bào” là... tế bào của mẹ, như vậy “đồng bào” có nghĩa là “cùng một tế bào của mẹ”.
Là một khán giả, thú thật, tôi... chưng hửng. Tôi vốn là một bà nội trợ, học vấn chẳng là bao do phải “vào đời sớm” từ trước giải phóng, nhưng cũng có thể hiểu nôm na rằng, “đồng bào” có nghĩa là “cùng một bọc”, là xuất xứ từ huyền thoại Mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm con, năm mươi theo cha lên rừng, năm mươi theo mẹ xuống biển...
Cũng từ tích này mà trong ngôn ngữ Việt có được một từ tuyệt diệu: “đồng bào”. Và cũng theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, thì hình như trên thế giới, chỉ có nước Việt Nam ta là có hai tiếng “đồng bào”, với ý nghĩa người trong một nước, dù sinh sống ở vùng miền nào cũng đều là những người “từ một bọc sinh ra”.
CÔ TÁM TA (P. Thới An, Q12)
Chú thích ảnh sai
Báo SGGP ngày 16-12-2007 đăng tấm ảnh cô dân quân thủ đô khoác súng trường bên đuôi chiếc máy bay Mỹ, với dòng chữ chú thích: “Máy bay B.52 của Mỹ bị bắn rơi ở sông Hồng (Hà Nội 1972). Ảnh: Đoàn Công Tính”.
Nhìn ký hiệu trên đuôi chiếc máy bay và kích cỡ của nó, dễ dàng nhận biết đó là máy bay tiêm kích chứ không phải máy bay ném bom B.52 (lớn hơn rất nhiều). Trong tập ảnh “Khoảnh khắc” của Đoàn Công Tính có tấm ảnh này, chú thích như sau: “Nụ cười thầm. Trận thắng bên sông Hồng”.
SGGP ngày 30-12-2007 lại đăng một tấm ảnh khác của Đoàn Công Tính chụp mùa đông 1972, nhưng ghi “Ảnh: TTXVN”. Cũng không đúng. Tấm ảnh này có trong tập ảnh “Khoảnh khắc” và ghi rõ tác giả là Đoàn Công Tính. Ông nguyên là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, chưa bao giờ là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
T.N.T.