Cần làm tốt vai trò bình ổn giá

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ vào chiều 7-11 đã quy định chi tiết hơn các nguyên tắc bình ổn giá và cụ thể hóa các trường hợp áp dụng bình ổn giá...

Bao gồm: trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong trường hợp dịch bệnh, thiên tai hoặc khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp. 

Theo nhìn nhận của nhiều đại biểu (ĐB), khi chuẩn bị tăng lương thì giá cả trên thị trường đã tăng trước; hay khi xăng dầu lên thì giá hàng hóa tự động tăng theo, nhưng khi giá xăng dầu giảm, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn ở mức cao, gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của người dân. Đây là vấn đề nan giải trong nhiều năm qua. Do đó, việc sửa Luật Giá phải bảo đảm giá theo thị trường nhưng phải phù hợp thực tiễn, không để xảy ra tình trạng đầu cơ tích trữ hàng hóa, tạo sự khan hiếm giả để nâng giá. Mặt khác, giá dù theo cơ chế thị trường nhưng những mặt hàng thiết yếu, quan trọng, liên quan thiết thân đến đời sống nhân dân thì Nhà nước phải định giá, như giá thuốc chữa bệnh, xăng dầu, sách giáo khoa, lương thực…, không để tự do lên xuống. 

Đến nay đã có nhiều quốc gia ban hành luật có nội dung bình ổn giá. Việc Nhà nước ta có biện pháp bình ổn giá khi thị trường có biến động bất thường đối với một số mặt hàng thiết yếu là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm tránh các tác động tiêu cực đến đời sống người dân và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhân dân mong Quốc hội khi bàn sửa đổi Luật Giá phải bảo đảm điều này được thực thi khi luật ra đời.

Tin cùng chuyên mục