Cần Thơ tràn ngập rác thải y tế

TP Cần Thơ hiện có 22 bệnh viện nhưng chỉ 8 bệnh viện có lò đốt quy mô nhỏ xử lý chất thải y tế rắn tại chỗ. Hầu hết các bệnh viện còn lại cùng hàng trăm cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, trạm y tế đều “trắng” lò xử lý chất thải y tế. Nhiều nơi, chất thải y tế được đốt thủ công, chôn lấp, thậm chí tiêu hủy như rác sinh hoạt.
Cần Thơ tràn ngập rác thải y tế

TP Cần Thơ hiện có 22 bệnh viện nhưng chỉ 8 bệnh viện có lò đốt quy mô nhỏ xử lý chất thải y tế rắn tại chỗ. Hầu hết các bệnh viện còn lại cùng hàng trăm cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, trạm y tế đều “trắng” lò xử lý chất thải y tế. Nhiều nơi, chất thải y tế được đốt thủ công, chôn lấp, thậm chí tiêu hủy như rác sinh hoạt.

Theo thống kê của Sở Y tế TP Cần Thơ, tính riêng tại các quận nội ô như Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, mỗi ngày các cơ sở y tế thải ra gần 1 tấn chất thải nguy hại như chai, lọ, bơm kim tiêm, mô bệnh phẩm...

  • Rác Cần Thơ đốt ở... Vũng Tàu

Ông Đặng Quang Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, trước đây, toàn bộ chất thải y tế ở các bệnh viện nội ô TP được xử lý tại lò đốt rác của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Tuy nhiên, do chất thải nhiều, lò đốt cũ, công suất hạn chế nên thường xuyên xảy ra quá tải, tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường.

Sau khi bị lực lượng chức năng xử phạt vi phạm các quy định về môi trường, từ đầu tháng 7-2011, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ ngưng thu gom và xử lý để tu sửa, nâng cấp lò đốt. Do vậy, các bệnh viện ký hợp đồng thu gom, xử lý với Công ty cổ phần Môi trường Sao Việt (Công ty Sao Việt), trụ sở chính tại TP Vũng Tàu.

Lý giải về lựa chọn trên, ông Đoàn Minh Luân, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết ở Cần Thơ và các tỉnh lân cận hiện chưa có đơn vị nào đủ điều kiện xử lý chất thải y tế nên các bệnh viện phải ký hợp đồng với công ty ở Vũng Tàu, bất chấp giá xử lý lên tới 25.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi giá của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Đến giữa tháng 7-2011, Công ty Sao Việt đột ngột ngưng thu gom không rõ lý do, khiến hàng loạt bệnh viện ở Cần Thơ rơi vào thế bị động, chất thải y tế ứ đọng, tràn lan. Bức bách nhất là Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, một trong những nơi có đông bệnh nhân điều trị nhất ĐBSCL với lượng chất thải y tế từ 200 - 300kg/ngày.

Chất thải y tế ngổn ngang ở Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.

Chất thải y tế ngổn ngang ở Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.

Ông Lê Văn Đạt, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ bức xúc: “Trong mấy tuần Công ty Sao Việt ngưng thu gom, chất thải y tế ở bệnh viện lúc nào cũng đầy kho, tràn ra cả ngoài gây ô nhiễm. Chúng tôi phải tự chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Thốt Nốt (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) nhờ đốt giùm. Dù biết phương tiện vận chuyển không đúng tiêu chuẩn nhưng cũng phải chuyển đi, vì không thể để rác ngập ra ngoài”.

Cùng cảnh ngộ ấy, nhiều bệnh viện ở nội ô như: bệnh viện Nhi đồng, Ung bướu, Tai - Mũi - Họng, Răng - Hàm - Mặt, bệnh viện Hoàn Mỹ, Phụ sản Phương Châu… cũng lúng túng, không biết đem chất thải y tế đi đâu.

  • Kinh hoàng bệnh phẩm thối

Làm việc với Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Cần Thơ, chúng tôi được biết, Công ty Sao Việt ngưng thu gom chất thải y tế tại các bệnh viện vì chi nhánh của công ty này tại Cần Thơ vừa bị bắt quả tang lưu trữ chất thải y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Cụ thể, ngày 19-7, qua phản ánh của người dân, lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất kho chứa của Công ty TNHH một thành viên Môi trường Tây Nam (chi nhánh của Công ty Sao Việt) và phát hiện gần 2 tấn chất thải y tế gồm: chai lọ thủy tinh, bơm, kim tiêm, bệnh phẩm… Kinh hoàng nhất là có nhiều bọc đựng bộ phận cơ thể người như chân, tay, ruột, nhau thai… đã thối rữa, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm tại chỗ.

Theo cơ quan chức năng, phía Công ty Sao Việt lý giải rằng do ở xa nên phải thành lập chi nhánh để thu gom và lưu trữ chất thải y tế tại kho ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy; khi nào tồn từ 4-5 tấn chất thải y tế, Công ty Sao Việt mới cho phương tiện vận chuyển về Vũng Tàu đốt. Chất thải y tế nhiều, để lâu ngày, trong khi kho trữ không đủ tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.

Hiện Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Cần Thơ đang đề nghị Giám đốc Công an thành phố ra quyết định xử phạt mức cao nhất đối với Công ty Sao Việt.

Thượng tá Lê Văn Chì, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Cần Thơ, cho rằng: “Đầu tư lò đốt rác y tế tập trung, đạt chuẩn ở Cần Thơ đang là vấn đề cấp thiết bởi ký hợp đồng xử lý chất thải y tế với các công ty ở xa không ổn vì các công ty thường lưu kho cho đủ chuyến mới chuyển đi nên rất dễ gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, lực lượng chức năng rất khó kiểm soát, khi xe chở chất thải y tế ra khỏi địa bàn sẽ không còn biết họ chở đi đâu, trường hợp xảy ra tai nạn, hậu quả rất khó lường…”.

Cùng quan điểm trên, theo ông Đoàn Anh Luân, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Cần Thơ, phải xem việc đầu tư lò đốt chất thải y tế là ưu tiên hàng đầu, bởi xử lý chất thải y tế không đúng về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sức khỏe người dân. Nhà nước không đầu tư được thì nên cho xã hội hóa.

Ông Luân cũng thừa nhận chính vì chưa có lò đốt rác y tế tập trung nên hiện nay, rất nhiều trạm y tế, các phòng khám, chữa bệnh tư đều xử lý chất thải y tế bằng phương pháp đốt thủ công hoặc đem chôn không an toàn. Các bệnh viện không chủ động xử lý chất thải y tế nên khi kiểm tra, lực lượng chức năng thường phải “mắt nhắm, mắt mở” cho qua.

Với giá đốt 25.000 đồng/kg, tính ra mỗi ngày, các bệnh viện nội ô Cần Thơ tốn 25 triệu đồng và mỗi tháng 750 triệu đồng tiền xử lý chất thải y tế. Trong khi đó, theo chào hàng của một số công ty chuyên nhập thiết bị lò đốt chất thải y tế, một lò đốt chất thải y tế công nghệ hiện đại của Nhật Bản, công suất 50kg/giờ hiện có giá khoảng 1 tỷ đồng.

ĐÌNH TUYỂN

Tin cùng chuyên mục