Cần tiếp tục làm rõ các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Sáng 3-11, thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi), vấn đề thu hồi đất, định giá đất nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội...
Quốc hội thảo luận sáng 3-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Quốc hội thảo luận sáng 3-11. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu tranh luận liên quan đến quy định Nhà nước đứng ra thu hồi đất. ĐB nêu rõ, Nghị quyết số 18 của Trung ương (về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao") nêu yêu cầu bảo đảm nguyên tắc thỏa thuận trong thu hồi đất.

Do đó, cần làm rõ khi nào thỏa thuận và thỏa thuận ra sao. ĐB lưu ý cần phân biệt đất thu hồi cho dự án nhà ở thương mại, nếu là đất ở thực hiện hai bên thỏa thuận; nhưng nếu là đất nông nghiệp thì Nhà nước đứng ra thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển do doanh nghiệp thông qua đấu giá. Đối với đất nông nghiệp để chuyển cho dự án sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thỏa thuận.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM)
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM)

Góp ý về quyền của người sử dụng đất, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) dẫn quy định tại khoản 2, điều 27 của dự thảo luật quy định, trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất đã phân chia được thêm phần, nếu từng thành viên của nhóm thực hiện quyền đối với quyền sở hữu quyền sử dụng đất của mình thì phải tách thửa. ĐB chỉ rõ, nội dung này kế thừa tại điều 167 của Luật Đất đai hiện hành.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có vướng mắc, gây khó khăn, phiền hà cho người sử dụng đất. Quy định bắt buộc phải tách thửa mới được thực hiện các quyền của người sử dụng đất là hạn chế quyền tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự. “Nếu thửa đất không đủ điều kiện tách thửa thì xử lý như thế nào?…”, ĐB đặt vấn đề.

Tranh luận về thu hồi đất nhà ở thương mại, ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đồng tình với quan điểm cần phải kiểm soát địa tô chênh lệch, nhưng phải làm rõ nội dung cần kiểm soát là giá trị thặng dư siêu ngạch - được tạo ra sau khi có đầu tư của nhà đầu tư. Nếu kiểm soát chặt quá thì không khuyến khích và thu hút được nhà đầu tư, không phát triển được kinh tế - xã hội. Nhưng nếu buông lỏng thì một số lợi nhuận siêu ngạch lại phục vụ lợi ích thiểu số.

Do đó, ĐB cho rằng, kiểm soát tốt nhất là thực hiện đấu thầu. Để đấu thầu được thì Nhà nước phải thu hồi đất, đồng thời đền bù do Nhà nước thực hiện, khi đó sẽ tiếp cận được giá thị trường. Người sử dụng đất khi được đền bù sẽ được tiệm cận giá thị trường trước khi đầu tư, như vậy công bằng cho cả nhà đầu tư, người bị thu hồi đất và Nhà nước không bị thất thoát.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)

Về vấn đề này, ĐB Lê Minh Nam (Hậu Giang) cũng cho rằng, cần bổ sung quy định cụ thể hơn việc triển khai quyền của Nhà nước trong điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Điều này phục vụ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi.

ĐB cho rằng, cần bổ sung cụ thể, rõ ràng và có tính chất bắt buộc cao hơn đối với nội dung này. Cần biên tập, bổ sung, làm rõ nội hàm quỹ đất phụ cận các công trình, kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết 18 của Trung ương về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", đưa vào quy định tại luật, làm cơ sở thống nhất hướng dẫn thực hiện tại các điều luật cụ thể.

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị làm rõ các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại điều 79; làm rõ các trường hợp thu hồi đất là trường hợp gì và những cơ quan nào sẽ quyết định, bởi luật thì phải rõ ràng, khách quan, minh bạch, nhất là trường hợp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trường hợp mà chưa làm rõ được thì thì sẽ trình UBTVQH bổ sung sau theo thủ tục rút gọn.

ĐB Vương Thị Hương (Hà Giang) cho biết, nhiều cử tri quan tâm đến nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh - tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Dự thảo luật đã quy định cụ thể các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc phòng đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Theo ĐB, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, dự án Luật Đất đai hiện nay mặc dù đã khẩn trương và quyết liệt hoàn thiện, nhưng do đây là dự án luật quan trọng, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của hầu hết cá nhân, tổ chức trong xã hội, công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, Quốc hội cần cân nhắc cần dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật một cách thấu đáo và hiệu quả nhất.

ĐB Bế Trung Anh (Trà Vinh) cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc rất cẩn trọng việc thông qua tại kỳ họp thứ 6 khi còn có quá nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo luật.

Tin cùng chuyên mục