Cẩn trọng an toàn lao động dịp cuối năm

Thời điểm này, các công trình, đơn hàng… đang trong giai đoạn chạy “nước rút” để kịp hoàn thành tiến độ dịp cuối năm. Với khối lượng công việc lớn, áp lực về thời gian, nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) thương tâm đã xảy ra, để lại tổn thất nặng nề về mặt sức khỏe và tinh thần đối với người lao động. 
Công nhân xây nhà phổ thông tại huyện Củ Chi, TPHCM thiếu an toàn trong lao động. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Công nhân xây nhà phổ thông tại huyện Củ Chi, TPHCM thiếu an toàn trong lao động. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Xử trí tốt, giảm thương tổn

Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM vừa tiếp nhận trường hợp anh L.H.A. (37 tuổi, ngụ TPHCM) bị lưỡi cưa máy cắt gỗ cắt đứt lìa cổ bàn tay trái. Chị N.T.H. (vợ anh L.H.A.) kể lại: “Tự nhiên nghe anh la thất thanh, cả nhà chạy ra thì thấy cảnh tượng hãi hùng. Tôi sợ quá suýt ngất xỉu, may nhờ thằng em trai nhanh trí băng bó cầm máu cho anh A., đồng thời đem phần bàn tay bị đứt lìa rửa sạch rồi kêu cấp cứu đưa anh đi bệnh viện ngay”.

Nhờ xử trí tốt, sau thời gian điều trị, hiện nay bàn tay của anh A. đã được nối thành công, sức khỏe của anh hồi phục tốt và được xuất viện. Kém may mắn hơn anh L.H.A., anh H.T.T. (35 tuổi, ngụ TPHCM) bị máy xay thịt xay nát cả bàn tay phải. Khi tai nạn xảy ra, chỉ có mình anh T. ở nhà, do hoảng loạn, đau đớn và không được ứng cứu kịp thời nên bàn tay phải của anh T. đã không thể cứu được.

Bác sĩ Võ Hòa Khánh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, cho biết, chỉ tính riêng trong 2 tháng (từ 1-10 đến 1-12-2021), Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM đã tiếp nhận gần 430 trường hợp nhập viện vì TNLĐ. Tùy theo loại TNLĐ sẽ có cách xử trí ban đầu khác nhau. Nếu cách xử trí ban đầu tốt thì sẽ tăng tỷ lệ cứu sống, hạn chế thương tổn cho nạn nhân. Thông thường, đối với máy móc đang vận hành mà nạn nhân bị cuốn vào băng chuyền thì quan trọng nhất là ngắt được nguồn điện. Sau khi xử trí ban đầu, người bị TNLĐ cần được sơ cứu. 

“Chúng ta cần cầm máu bằng cách dùng khăn sạch, quấn và băng ép vết thương bằng băng thun, trước khi băng phải rửa vết thương bằng nước sạch. Sau đó, cố định tạm vết thương, nếu nghi ngờ có gãy xương thì dùng nẹp cây cố định tạm xương gãy. Trường hợp nạn nhân bị đứt lìa bộ phận cơ thể thì xử trí phần đứt lìa và mang theo phần đứt lìa đến bệnh viện. Cần khẩn trương đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu”, bác sĩ Võ Hòa Khánh lưu ý.

Chú ý đến dinh dưỡng, thể lực

Theo bác sĩ Võ Hòa Khánh, để tránh xảy ra TNLĐ, bản thân người lao động cần tuân thủ phòng hộ lao động. Phòng hộ cá nhân đối với các ngành nghề rất quan trọng, giúp công nhân hạn chế các rủi ro do công việc gây ra. Đồ phòng hộ lao động như găng tay, giày chuyên dụng, kính phòng hộ mắt… luôn được chuẩn bị sẵn sàng, sử dụng trong suốt quá trình làm việc, di chuyển. Nhiều trường hợp TNLĐ do lưỡi cưa gãy, phần gãy văng vào mắt, mặt hoặc chân… Nếu mang phòng hộ đầy đủ sẽ giảm thiểu rủi ro dẫn đến TNLĐ. 

Ngoài ra, đừng vì tiết kiệm vài phút mà quên kiểm tra các dụng cụ trước khi làm việc. Các loại máy như: máy dập, máy in, máy cưa cây là những loại máy chạy hết công suất mỗi ngày, vì vậy lỗi của máy móc (lỏng ốc, chạm điện…) luôn luôn có thể xảy ra. Người lao động cần kiểm tra kỹ càng máy móc, thiết bị trước khi làm việc để khắc phục sự cố kịp thời. Bên cạnh đó, việc luôn luôn tỉnh táo và tập trung khi làm việc sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra TNLĐ.

Đối với người sử dụng lao động, phải có nghĩa vụ tập huấn về chuyên môn cho công nhân về an toàn lao động. Vì TNLĐ xảy ra do công nhân không có kinh nghiệm làm việc hoặc mới vào làm, không biết rõ quy trình vận hành máy. Hơn hết, người sử dụng lao động cần tuân thủ quy định về ngày giờ công và quy định làm việc, tránh xếp lịch tăng ca dày đặc, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người lao động. 

Theo bác sĩ Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, sức khỏe tốt là yếu tố giúp hạn chế TNLĐ. Đặc điểm của người lao động tay chân là cường độ lao động vừa hoặc nặng, phải làm thêm giờ, giờ giấc ăn uống thất thường…

Để đảm bảo đủ sức khỏe tốt, người lao động cần đáp ứng đủ năng lượng theo mức lao động và tình trạng dinh dưỡng, đối với nữ cần cung cấp đủ 1.800-2.200 Kcal/ngày, nam cần 2.200-2.600 Kcal/ngày. Phải cân đối dưỡng chất gồm: đạm (thịt, cá, trứng, sữa…), chất béo (dầu, mỡ…), chất bột đường (cơm, bánh mì…), vitamin và chất xơ. Khi làm việc dưới trời nắng nóng, đổ nhiều mồ hôi, người lao động cần uống khoảng 3 lít nước/ngày. “Tránh việc bỏ bữa, nếu bỏ bữa sẽ dễ hạ đường huyết, dẫn đến kém tập trung, buồn ngủ, thao tác kém chính xác khiến dễ xảy ra TNLĐ. Hơn hết, sau ngày làm việc mệt mỏi thì người lao động cần được nghỉ ngơi, phải ngủ đủ 6-8 giờ/ngày”, bác sĩ Dương Thị Kim Loan khuyến cáo.

Tin cùng chuyên mục