Cẩn trọng làm đẹp bằng tế bào gốc

Những sản phẩm làm đẹp bằng tế bào gốc đang được quảng cáo, rao bán tràn lan. Thậm chí tế bào gốc đang được nhiều cơ sở thẩm mỹ ở TPHCM thổi phồng như “thần dược” để lôi kéo khách hàng. Thực chất, loại hình làm đẹp này chưa được Bộ Y tế công nhận và cho phép ứng dụng tại Việt Nam.
Nhiều loại tế bào gốc được giới thiệu và bày bán tràn lan trên thị trường

Nhiều loại tế bào gốc được giới thiệu và bày bán tràn lan trên thị trường

Những lời cam kết “có cánh”

Tế bào gốc đang được nhiều cơ sở thẩm mỹ quảng bá như một liệu pháp “cải lão hoàn đồng” cho da, từ da mụn đến lão hóa, từ làm đầy sẹo đến dưỡng trắng da. Giá những sản phẩm này cũng “thượng vàng hạ cám”, từ vài chục ngàn đến cả trăm triệu đồng, với đủ chủng loại như tế bào gốc từ thực vật, động vật và cả con người.

Sau nhiều ngày tìm hiểu tại các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TPHCM, chúng tôi nhận thấy điểm chung là khi khách có nhu cầu làm đẹp, đa số nhân viên đều tư vấn các gói làm đẹp bằng tế bào gốc, với nhiều lời cam kết “có cánh”.

Ngày 9-8, chúng tôi đến cơ sở thẩm mỹ N.H. (đường Hoàng Dư Khương, quận 10) để tư vấn chăm sóc da mặt. Tại đây, chúng tôi được một nữ nhân viên tư vấn gói dịch vụ điều trị hơn 15 triệu đồng, bao gồm các bước như: nặn mụn, lăn kim, sử dụng tế bào gốc với liệu trình khoảng 4-5 lần và cam kết sau quá trình điều trị, da sẽ sáng bóng, sạch mụn, mờ sẹo.

“Để da mặt sạch thì chỉ cần nặn mụn và lấy thuốc uống; còn để da mặt căng bóng, hết sẹo thì phải qua lăn kim bằng công nghệ hiện đại, sau đó cấy tế bào gốc sống lên mặt. Tùy theo các bước điều trị, nhân viên sẽ tư vấn các loại tế bào gốc từ động vật hay thực vật cho phù hợp, cụ thể loại bôi có giá 700.000 đồng/lọ và tiêm trực tiếp thì 4 triệu đồng/lọ”, nữ nhân viên tư vấn.

Tìm đến một cơ sở làm đẹp (spa) khác nằm trong một con hẻm trên quốc lộ 13 (TP Thủ Đức), chúng tôi cũng được nhân viên tư vấn gói điều trị với giá 8 triệu đồng, bao gồm các bước: làm sạch da mụn, lăn kim, bóc tách đáy sẹo và sử dụng tế bào gốc trẻ hóa làn da có xuất xứ từ Hàn Quốc. Chủ cơ sở spa cam kết da sẽ sáng bóng, sạch mụn, mờ sẹo sau quá trình điều trị chỉ với liệu trình 5 buổi.

Thực tế, đã có không ít khách hàng bỏ ra một số tiền lớn để làm đẹp bằng tế bào gốc, để rồi phải đến bệnh viện điều trị. Đầu năm 2022, chị T.X. (ngụ quận 8, TPHCM) đến cơ sở làm đẹp N.H. (đường Hoàng Dư Khương, quận 10) để chăm sóc da mặt. Được tư vấn, chị X. đồng ý thực hiện phương pháp làm sạch mụn, lăn kim và bóc tách đáy sẹo, tiêm tế bào gốc liệu trình 4-5 lần, tổng chi phí hơn 15 triệu đồng.

“Trong quá trình điều trị, tôi thấy da mặt có phần căng bóng, sạch mụn và bã nhờn, tuy nhiên kết thúc quá trình điều trị không lâu thì da tôi trở lại như ban đầu, thậm chí mọc nhiều mụn hơn và xấu đi. Tôi phải đến Bệnh viện Da liễu TPHCM để điều trị”, chị X. nói.

"Việc tiêm tế bào gốc không rõ nguồn gốc có nguy cơ gây nhiễm trùng (do tế bào gốc không được thu thập, xử lý và lưu trữ đúng cách, bị nhiễm khuẩn, virus) hay phản ứng miễn dịch, thậm chí có nguy cơ mắc ung thư vì sinh phẩm kém chất lượng" - TS-BS Phạm Nguyên Quý.

“Nổ” công dụng để trục lợi

PGS-TS Vũ Bích Ngọc, công tác tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), cho biết, có rất ít bệnh viện ký kết chuyển giao công nghệ sản xuất tế bào gốc hoặc tế bào miễn dịch tại Việt Nam - như Đa khoa Vạn Hạnh, Đa khoa Tâm Anh, Quốc tế sản nhi Hải Phòng... Đa số những nơi này đều đang trong quá trình vận hành hoạt động sản xuất tế bào gốc phục vụ điều trị bệnh ở phạm vi nội bộ và được Bộ Y tế cho phép.

Đối với lĩnh vực làm đẹp, tế bào gốc có khả năng thay thế, sửa chữa, tái tạo tế bào lão hóa nên cơ chế tác động để làm mới các tế bào trong cơ thể là hoàn toàn có cơ sở khoa học và đã được chứng minh. Tuy nhiên, tác động làm đẹp ở góc độ khoa học được hiểu là tăng cường sức khỏe của nhiều loại mô và cơ, chứ không giới hạn ở hình thái bên ngoài.

“Đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào trong nước được cấp phép sản xuất và kinh doanh tế bào gốc như một loại thuốc lưu hành tự do. Do đó, việc mua bán, sử dụng tế bào gốc tại Việt Nam là hoạt động trái pháp luật. Mặt khác, chất lượng của các loại tế bào gốc này còn chưa được kiểm soát và khó đánh giá. Việc quảng cáo tế bào gốc từ người, từ động vật, thực vật, vi sinh vật... đều là thông tin thiếu kiểm chứng”, PGS-TS Vũ Bích Ngọc thông tin.

Theo TS-BS Phạm Nguyên Quý, chuyên ngành Ung thư (Đại học Kyoto, Nhật Bản), hiện chưa có đủ bằng chứng để khẳng định liệu pháp tế bào gốc có thể chữa hay hỗ trợ chữa các loại ung thư hoặc các bệnh mạn tính khác (như tiểu đường) như một số nơi đang quảng cáo. Tế bào gốc đang được thần thánh hóa công dụng, thậm chí nhiều đơn vị cố tình “bơm thổi” vì lợi ích kinh doanh.

“Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân và người nhà cần tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ, chuyên gia để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Nếu vẫn muốn thử dùng tế bào gốc, nên hỏi kỹ để chọn trung tâm có uy tín và tuân thủ quy định về liệu pháp tế bào gốc. Bệnh nhân cần lưu lại các hồ sơ giải thích về công hiệu, tác dụng phụ để có thể sử dụng khi cần kiện tụng sau điều trị”, TS-BS Phạm Nguyên Quý khuyến cáo.

Tin cùng chuyên mục