(SGGP).- Nhân ngày quốc tế phòng chống tham nhũng 9-12 với chủ đề “phá vỡ chuỗi tham nhũng”, Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) đã tổ chức tọa đàm “phòng, chống tham nhũng vì bình đẳng xã hội ở Việt Nam”.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, cần phải có một loạt các giải pháp mạnh để kiểm soát tham nhũng tốt hơn, bởi tham nhũng là nguy cơ có tác động tiêu cực tới nền quản trị tốt, chất lượng dịch vụ công tốt và cơ hội bình đẳng cho mọi người dân Việt Nam. Mỗi quốc gia có đặc thù khác nhau nên có biện pháp tiếp cận riêng để phá vỡ được chuỗi tham nhũng. Nhưng sẽ không phá vỡ được chuỗi tham nhũng nếu chỉ tác động vào một cá nhân đơn lẻ.
Ông Jairo Acuma - Alfaro, cố vấn chính sách UNDP New York, đặt vấn đề, nguyên tắc vàng trong phòng chống tham nhũng là không thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Cho nên, một trong những điều kiện quan trọng là phải tăng tính độc lập, tự chủ của cơ quan phòng, chống tham nhũng. Cùng với đó, phải xây dựng thể chế hiệu quả, trách nhiệm và minh bạch ở tất cả các cấp để thúc đẩy thực thi hiệu quả pháp luật về phòng chống tham nhũng; đẩy mạnh các biện pháp mạnh nhằm bảo vệ nhân chứng/người tố cáo và thực hiện các cơ chế giám sát độc lập, từ bên ngoài (báo chí, người dân...). TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý châu Á - Thái Bình Dương (Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, ở Việt Nam không có bất đồng nào về quyết tâm chống tham nhũng. Nhưng thực tế, người dân phàn nàn tham nhũng đang được coi là “dầu bôi trơn” cho công việc. Tham nhũng làm tổn hại tới chất lượng dịch vụ công. Việc “bôi trơn bánh xe” đang phá hủy cả cỗ xe. Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia ví von, “nhiều ánh sáng mặt trời thì ít vi khuẩn gây hại”. Do đó, nếu càng công khai, minh bạch với người dân thì càng hạn chế cơ hội tham nhũng. Điều đó có nghĩa là chính sách cần tăng cường sự minh bạch, công khai để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin.
Ngày 9-12, Thanh tra Chính phủ cũng công bố Thông điệp của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhân Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng. Ông Ban Ki-moon cho rằng, tham nhũng tác động tiêu cực đến sự phát triển. Các quỹ thay vì được dành cho trường học, trạm y tế và các dịch vụ công quan trọng khác, lại bị chuyển vào tay bọn tội phạm hoặc các quan chức không trung thực. Tham nhũng làm trầm trọng thêm vấn đề bạo lực và sự bất ổn. Nó có thể dẫn đến sự không hài lòng với các cơ quan nhà nước, sự thất vọng đối với chính phủ nói chung và sự giận dữ, lo lắng của người dân. “Nhân ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng, tôi kêu gọi các nỗ lực đoàn kết để đưa ra một thông điệp rõ ràng trên khắp thế giới, thông điệp đó mạnh mẽ nói không với tham nhũng và đề cao các nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản trị tốt. Điều này sẽ có lợi cho các cộng đồng và các quốc gia, góp phần mở ra một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”, Tổng Thư ký LHQ kêu gọi.
LÂM NGUYÊN