Căng mình chống dịch tả heo

Theo xác nhận của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) ngày 7-3, Hà Nội vừa phát hiện thêm 1 ổ dịch tả heo châu Phi. Còn cả nước thì đã có tới 9 tỉnh và thành phố có dịch tả heo hoành hành, nhiều nơi, dịch đang tiếp tục lây lan.

Những ngày này, tại xã Kim Sơn thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội) chẳng khác nào một “cấm địa” trắng. Tại các ngõ ra vào làng, đâu đâu cũng thấy vôi bột được rải trắng toát ra để khử trùng, ngăn ngừa virus, dịch tả châu Phi tấn công. Theo bà Kiều Thị Hà, Trưởng ban Thú y xã Kim Sơn, mặc dù dịch tả heo chưa tràn tới đây, nhưng 200 hộ gia đình trong xã đang ăn không ngon, ngủ không yên vì nơm nớp lo cho hơn 5.000 con heo trước nguy cơ bị đại dịch tấn công. Đây là khối tài sản lớn của người nông dân mà họ đã ròng rã chăm sóc, chắt chiu nhiều tháng qua. 


Để bảo vệ đàn heo, người dân trong xã Kim Sơn đang làm mọi cách để giữ đàn heo của mình thoát khỏi hiểm họa.  

Trại heo của anh Nguyễn Văn Khiển, ở thôn Nghĩa Sơn, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) luôn được phòng dịch cẩn thận
 Ông Kiều Bá Phượng, một chủ trại heo có hơn 200 con ở thôn Nghĩa Sơn, xã Kim Sơn chia sẻ ông rất e ngại khi có người lạ đến thăm, vì sợ lây lan nguồn dịch. Hiện nay, tất cả các phương tiện ra vào trại, kể cả xe chở thức ăn chăn nuôi, đều phải phun thuốc khử trùng. 


Ngày 7-3, thông tin từ Cục Thú y xã nhận, tại Hà Nội đã xuất hiện thêm ổ dịch tả heo châu Phi thứ 2, trên đàn heo gồm 10 con của một hộ chăn nuôi tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh. Trước đó, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở đàn heo rừng được nuôi tại một trang trại thuộc khu Đầm Lấm, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Như vậy, đến thời điểm này, Hà Nội đã có 2 ổ dịch tả, nhiều đàn heo khác đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ do dịch bệnh…  

Mặc dù cơ quan thú y báo cáo rằng các đàn heo nhiễm dịch tả đều được tiêu hủy, các ổ dịch bị cô lập nhưng với thực tế chỉ 1 - 2 tỉnh, đến nay dịch tả heo châu Phi đã lan nhanh ra tới 9 tỉnh và thành phố, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên, Hòa Bình cho thấy, nguy cơ lây lan rất cao và khó kiểm soát nguồn virus. Theo ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), nguy cơ dịch tả heo châu Phi có khả năng lan rộng, bởi hiện nay tình trạng “bán tháo” heo vẫn xảy ra; tình trạng giết mổ, vận chuyển heo và thịt heo không đúng quy định vẫn tiếp diễn, khó kiểm soát toàn diện bởi lực lượng cán bộ thú y quá mỏng, dù đã ký hợp đồng dịch vụ để có thêm nhân lực ứng phó với dịch bệnh.

UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp báo về tình hình phòng, chống dịch tả heo châu Phi, đưa ra các giải pháp khẩn cấp nhằm phòng tránh nạn dịch. Hiện Quảng Bình thành lập 2 tổ liên ngành hoạt động trên các quốc lộ để kiểm soát tình trạng vận chuyển gia súc, nhất là heo. Cùng đó, hàng ngàn tờ rơi tuyên truyền về cách nhận biết sớm dịch bệnh và cách phòng, chống dịch tả heo châu Phi đã được phát hành, chuyển về từng hộ chăn nuôi. 

Còn tại khu vực ĐBSCL, tuy chưa xảy ra dịch tả heo châu Phi nhưng nhiều tỉnh, thành đã chủ động công tác phòng chống dịch. Trong đó, tại Bến Tre, ông Phan Trung Nghĩa,  Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Từ ngày 5-3, trên địa bàn tỉnh thành lập 6 chốt để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển heo, sản phẩm liên quan đến heo ra, vào địa bàn tỉnh. Tương tự, Trà Vinh cũng thành lập 4 chốt kiểm dịch kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển heo ra vào địa bàn.

Tin cùng chuyên mục