Cảng Sài Gòn - Nơi lưu dấu Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Cảng Sài Gòn qua hơn 40 năm tiếp quản, xây dựng và phát triển, hàng ngàn người lao động trong mỗi giai đoạn đều mãi một niềm tự hào được công tác tại bến cảng lịch sử - anh hùng, nơi Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5-6-1911. Cũng với niềm tự hào đó, thể theo nguyện vọng chính đáng của đa số người lao động, từ năm 1980, Đảng bộ Cảng Sài Gòn đã chọn ngày 5-6 làm ngày Truyền thống Công nhân Cảng Sài Gòn.
Cảng Sài Gòn - Nơi lưu dấu Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Cảng Sài Gòn qua hơn 40 năm tiếp quản, xây dựng và phát triển, hàng ngàn người lao động trong mỗi giai đoạn đều mãi một niềm tự hào được công tác tại bến cảng lịch sử - anh hùng, nơi Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5-6-1911. Cũng với niềm tự hào đó, thể theo nguyện vọng chính đáng của đa số người lao động, từ năm 1980, Đảng bộ Cảng Sài Gòn đã chọn ngày 5-6 làm ngày Truyền thống Công nhân Cảng Sài Gòn.

Một góc Cảng Sài Gòn

36 năm qua, nhiều thế hệ lãnh đạo và người lao động Cảng Sài Gòn luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với đơn vị và luôn đồng hành cùng với sự phát triển của địa phương, của TP Hồ Chí Minh. Không phải ngẫu nhiên mà trong ký ức của rất nhiều người dân TP Hồ Chí Minh thương hiệu Cảng Sài Gòn đã trở nên rất gần gũi và gắn liền với quá trình phát triển của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh. Giờ đây, cho dù sự phát triển của TP Hồ Chí Minh tiến đến sự văn minh và hiện đại nhất từ trước đến nay thì vẫn còn đó trong ký ức của người dân thành phố về vùng đất cảng thiêng liêng với tên gọi Cảng Sài Gòn.

Cảng Sài Gòn được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1860, chính thức đưa vào khai thác và giao thương quốc tế năm 1863, là cảng biển lâu đời nhất tại Việt Nam. Trong quá trình hơn 150 năm hình thành và phát triển, Cảng Sài Gòn luôn gắn liền với những biến đổi và thăng trầm của lịch sử Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, nhất là sự kiện lịch sử của dân tộc ngày 5-6-1911. Cảng Sài Gòn có vai trò rất quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh đối với Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam. Từ khi được thành lập, Cảng Sài Gòn là địa bàn hoạt động của nhiều chiến sĩ cách mạng lỗi lạc, là một trong những nơi có tổ chức của Công hội Đỏ và tổ chức Đảng hoạt động sớm nhất ở Sài Gòn và Nam kỳ lúc bấy giờ.

Sau ngày 30-4-1975, ngay từ khi tiếp quản, Ban lãnh đạo Cảng Sài Gòn đã nhanh chóng ổn định đơn vị, xây dựng các tổ chức chính trị quần chúng, các công trình phúc lợi tập thể, vận động công nhân lao động tại chỗ cùng bắt tay khôi phục lại hoạt động bến cảng. Đến năm 1986, khi chuyển sang hạch toán kinh doanh, hoạt động sản xuất kinh doanh của cảng bắt đầu được mở ra theo xu thế đổi mới, nhiều cơ hội hơn, nhiều thuận lợi hơn. Đến năm 1989, Nhà nước trao quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp quốc doanh, Cảng Sài Gòn đã mạnh dạn và chủ động trong sản xuất, hiệu quả kinh doanh tăng rất nhanh, đơn vị trở thành cảng quốc gia lớn nhất nước về nhiều lĩnh vực. Bằng tinh thần tự lực, tự cường, chắt chiu từ nguồn vốn tự bổ sung và các nguồn vốn vay trong và ngoài nước, Cảng Sài Gòn đã cân đối tự phát triển đầu tư chiều sâu, đầu tư hàng trăm tỷ đồng theo phương châm “Lấy ngắn nuôi dài, hiệu quả đến đâu, đầu tư đến đó”, theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa để trở thành một cảng tiên tiến hiện đại, có tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới. Từ kết quả đạt được, tháng 12-1996, Cảng Sài Gòn vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Thành quả của Cảng Sài Gòn trong quá trình xây dựng và phát triển, không chỉ đơn thuần là cảng đã đáp ứng kịp thời cho nhu cầu giao thương hàng hóa của đất nước; thực hiện nghĩa vụ đối với địa phương về việc ổn định việc làm, đảm bảo thu nhập cho hàng ngàn người lao động (chủ yếu là khu vực quận 4, quận 7 và một vài quận vùng ven);  góp phần quan trọng vào việc đảm bảo quốc phòng - an ninh trong vai trò là cửa ngõ lưu thông hàng hóa lớn nhất của khu vực. Trong những lúc thuận lợi và cả những thời điểm đơn vị gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Cảng Sài Gòn vẫn luôn quan tâm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; đóng góp cùng các địa phương và TP Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị và các đoàn thể chính trị cùng phát triển mạnh.

Từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, năm 2015 Cảng Sài Gòn chính thức chuyển thành Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, trong quá trình chuyển đổi mô hình doanh nghiệp trong thời gian qua và hiện nay đang trong giai đoạn di dời chuyển đổi công năng, Cảng Sài Gòn đã gặp không ít khó khăn. Thực tế cho thấy, vị trí địa lý và quy mô của Cảng Sài Gòn hiện tại ít nhiều bộc bộ những hạn chế so với xu thế phát triển đô thị tại TP Hồ Chí Minh, cộng với sự phát triển rất nhanh của ngành vận tải biển, đặc biệt là sản lượng xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển ngày càng tăng. Cảng Sài Gòn nếu muốn phát triển bền vững, rất cần phải thay đồi về nhiều mặt để đáp ứng với yêu cầu chung của ngành hàng hải trong nước và khu vực. Thế nhưng, để triển khai các chủ trương về cổ phần hóa Cảng Sài Gòn, di dời chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng Khánh Hội đến người lao động để cùng đồng thuận thực hiện là vấn đề không đơn giản. Một trong những nguyên nhân là do “Cảng Sài Gòn” - một đơn vị có bề dày lịch sử rất đặc biệt, đã ra đời và tồn tại hơn 150 năm, một địa danh rất gần gũi và thân quen với người dân Sài Gòn, cùng lớn lên theo sự phát triển và đổi thay qua từng giai đoạn của TP Hồ Chí Minh. Và đối với người lao động Cảng Sài Gòn, nhiều gia đình có nhiều thế hệ gắn bó cả đời với đất cảng, nhiều thế hệ người lao động Cảng Sài Gòn luôn giữ một tình cảm rất đặc biệt với mảnh đất lịch sử này, kể cả lúc thuận lợi hay khó khăn. Đảng bộ Cảng Sài Gòn luôn kịp thời quán triệt các chủ trương của Chính phủ và Nhà nước, đồng thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể cùng chung sức tuyên truyền, vận động để người lao động cùng đồng thuận thực hiện các chủ trương chung.

Sự phát triển của cảng biển luôn gắn liền với hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trên mọi vùng biển, nhất là Biển Đông với Hoàng Sa, Trường Sa - vùng chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng với cả nước, cán bộ công nhân viên Cảng Sài Gòn luôn hướng về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. Hiện nay, Cảng Sài Gòn đang thực hiện đồng thời cùng một lúc các nhiệm vụ: Chuẩn bị di dời, chuyển đổi công năng khu Nhà Rồng Khánh Hội, đầu tư xây dựng Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước ở huyện Nhà Bè, góp phần thực hiện chủ trương của thành phố xây dựng đô thị Cảng Hiệp Phước, đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh và thu nhập của người lao động. Cảng Sài Gòn đã và đang vận dụng mọi nguồn lực, tranh thủ các cơ hội, phát huy mạnh mẽ những tiềm năng của mình, giữ vững và nâng cao hơn nữa thương hiệu Cảng Sài Gòn - đơn vị Anh hùng lao động, nơi Bác Hồ kính yêu đã ra đi tìm đường cứu nước, là một trong những cảng biển quan trọng hàng đầu của quốc gia tại phía Nam với hơn 150 năm hình thành và phát triển, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ, góp phần tích cực cùng thành phố, ngành hàng hải Việt Nam và cả nước thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

Để đạt được kỳ vọng trên, Đảng bộ Cảng Sài Gòn quyết tâm vận động toàn thể đảng viên và người lao động đồng thuận cùng thực hiện thành công công tác di dời khu Nhà Rồng Khánh Hội theo chủ trương của Chính phủ, của Bộ Giao thông Vận tải và của TP Hồ Chí Minh. Đồng thời mong muốn TP Hồ Chí Minh, các ngành, các cấp quan tâm đến thương hiệu và vị trí của Cảng Sài Gòn, xem nơi này là một bộ phận luôn gắn liền với Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh.

HOÀNG YẾN

Tin cùng chuyên mục