Căng thẳng nợ công

Tổng thống Joe Biden có thể hủy chuyến công du châu Á nếu không có đột phá về trần nợ công.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) trong cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy về giới hạn nợ tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hôm 9-5. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) trong cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy về giới hạn nợ tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hôm 9-5. Ảnh: REUTERS

Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima (Nhật Bản) từ ngày 19 đến 21-5. Tiếp đó, ông tới Papua New Guine gặp gỡ các nhà lãnh đạo Diễn đàn quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) trước khi tới Sydney (Australia) tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bộ tứ (Quad) vào ngày 24-5.

Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden có thể hủy chuyến công du châu Á nếu không có đột phá về trần nợ công. Cuộc gặp giữa ông Joe Biden và ông Kevin McCarthy, lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa tại Hạ viện, bàn về trần nợ công của Mỹ hôm 9-5 không mang lại kết quả nào, ngoài việc thỏa thuận gặp nhau lần nữa vào ngày 12-5.

Báo chí Mỹ cho rằng việc giải quyết vấn đề này sẽ quyết định ông Joe Biden và ông Kevin McCarthy, ai là nhân vật thống trị ở Washington trong 2 năm tới. Nếu 2 người không đạt được thỏa thuận nào, sẽ xảy ra tình trạng vỡ nợ quốc gia vào ngày 1-6, tác động sâu sắc đến nền kinh tế Mỹ và cuộc bầu cử năm 2024. Tác động nghiêm trọng nhất đối với việc vỡ nợ sẽ là hàng triệu người Mỹ mất việc làm, mất trợ cấp và an ninh kinh tế bị xói mòn.

Thị trường có thể lao dốc, suy thoái có thể xảy ra. Một vụ vỡ nợ sẽ làm tăng vĩnh viễn lãi suất vay của Mỹ. Để đổi lấy việc tăng trần nợ, ông McCarthy - dưới áp lực của nhiều phần tử cực đoan và những người bảo thủ tài chính, đang yêu cầu cắt giảm ngân sách lớn để hạn chế chi tiêu của chính phủ, nhất là cho chương trình nghị sự của ông Joe Biden về các vấn đề như biến đổi khí hậu. Ngược lại, Tổng thống Joe Biden chỉ trích đảng Cộng hòa gắn với chủ nghĩa cực đoan của cựu Tổng thống Donald Trump và lấy nền kinh tế làm con tin bằng cách từ chối nâng giới hạn nợ trần ngay lập tức.

Điểm chung là không ai muốn bị cáo buộc gây ra tình trạng khủng hoảng về chính trị và kinh tế. Vì vậy, theo các nhà phân tích, ông Joe Biden và ông McCarthy sẽ tìm một thỏa hiệp đủ để tránh nguy hại cho nước Mỹ, nhưng không đủ để bên nào giành thế thượng phong. Nhiều dấu hiệu cho thấy lưỡng viện Quốc hội Mỹ có thể thông qua việc tăng trần nợ công ngắn hạn để tránh khủng hoảng. Nhưng sau đó, cuộc đối đầu sẽ tiếp tục.

Tin cùng chuyên mục