Đây là kết quả nghiên cứu vừa được Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và nhóm bảo vệ môi trường Pure Earth công bố ngày 30-7.
Nghiên cứu kết luận: “Chắc chắn trẻ em trên khắp thế giới đang bị nhiễm độc chì trên diện rộng và chưa từng được thừa nhận trước đây”.
Theo đó, khoảng 800 triệu trẻ trên toàn cầu có lượng chì trong máu từ 5 mg/dl trở lên - hàm lượng được xem là có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, hệ thần kinh và các cơ quan nội tạng quan trọng như tim, phổi.
Theo nghiên cứu, các loại pin axit chì có thể là “thủ phạm chính” với gần 85% lượng chì được sử dụng trên thế giới để sản xuất các loại pin này trang bị cho các phương tiện giao thông, thiết bị điện và viễn thông. Hơn 95% lượng chì trong pin được tái chế tại Mỹ và châu Âu trong khi các nền kinh tế đang phát triển thiếu những cơ sở hạ tầng để tái chế, tái sử dụng kim loại nặng này.