Cảnh giác bẫy lừa email giả mạo

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM truy tố Nguyễn Thị Nở (sinh năm 1980, ngụ quận 12) về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”.


Kết quả điều tra cho thấy vào tháng 10-2015, Công ty Heng Pich Chhay (Campuchia) ký hợp đồng mua 594 tấn phân bón các loại của Công ty TNHH Việt Hóa Nông (trụ sở tại quận 1), trị giá lô hàng là 228.030 USD. Dù hai bên đã thỏa thuận Công ty Heng Pich Chhay sẽ chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Việt Hóa Nông, nhưng bỗng nhiên Công ty Heng Pich Chhay nhận được thông báo từ thư điện tử (viết tắt email) ntthang@viethoamong.com đề nghị số tiền thanh toán chuyển vào tài khoản số 2011102507001 của Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Lucky Star mở tại Ngân hàng Quân đội - chi nhánh Bắc Sài Gòn. Tin tưởng rằng đây là mail từ phía đối tác, không để ý địa chỉ email khác 1 ký tự so với email ntthang@viethoanong.com của Công ty Việt Hóa Nông nên Công ty Heng Pich Chhay đã chuyển tiền như yêu cầu. Số tiền này được bà Nguyễn Thị Nở, Giám đốc Công ty Lucky Star, rút ra sử dụng. Khi phát hiện chuyển nhầm tiền, Công ty Heng Pich Chhay đề nghị được trả lại tiền nhưng bà Nở không đồng ý.

Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp (DN) bị lừa đảo bởi những email giả tạo. Vào năm 2016, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu T.H.S. ký hợp đồng mua tôm bố mẹ giống của Tập đoàn C. (viết tắt tên) - Thái Lan.

Sau khi hợp đồng mua bán được ký kết, qua địa chỉ email Prapakorn.T@cpf.co.th, Công ty T.H.S. nhận được yêu cầu chuyển tiền thanh toán cho 2 cá nhân người Việt Nam theo những tài khoản chỉ định được mở tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Vũng Tàu, Sacombank chi nhánh Vũng Tàu, Vietcombank chi nhánh Kỳ Đồng quận 3, Vietcombank chi nhánh Vũng Tàu. Thấy đây đúng là địa chỉ email từ phía đối tác, Công ty T.H.S. 7 lần chuyển vào những tài khoản trên tổng cộng hơn 5,3 tỷ đồng (tương đương hơn 240.000USD). Chỉ đến khi liên hệ lại với Phòng Kinh doanh của Tập đoàn C. thì Công ty T.H.S. mới biết tập đoàn này không hề gửi email yêu cầu chuyển tiền. Do đó, Công ty TNHH T.H.S bị mất sạch số tiền đã chuyển theo yêu cầu của đối tác giả!

Dù đã có cảnh báo nhưng vẫn còn DN trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo tinh vi này. Thực tế từ những vụ lừa đảo thời gian qua cho thấy, các đối tượng tội phạm tấn công, xâm nhập vào tài khoản email của DN để theo dõi các giao dịch, nắm thông tin về hợp đồng mua bán, giao dịch tiền. Sau đó, các đối tượng tạo ra địa chỉ email giả, chỉ thay đổi 1 hoặc 2 ký tự so với email phía đối tác của DN, gửi mail thông báo về việc thay đổi tài khoản ngân hàng thụ hưởng. Khó phát hiện sự thay đổi trong địa chỉ email, DN chuyển tiền theo yêu cầu và bị chiếm đoạt. Vì vậy, để không bị sập bẫy lừa từ những email giả tạo, các DN khi trao đổi thông tin cần để ý kỹ địa chỉ email đối tác; đồng thời khi được yêu cầu chuyển tiền, DN cần xác minh bằng cách trao đổi trực tiếp với đối tác qua điện thoại hoặc phương tiện truyền thông khác ngoài email.

Tin cùng chuyên mục