Cảnh giác trước bão số 10


Mặc dù bão số 10 được dự báo suy yếu khi đổ bộ vào đất liền, nhưng tại các tỉnh ven biển như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... người dân đều chủ động phòng chống. 

Trong ngày 3-11, ven biển từ Phú Yên ra Quảng Ngãi, người dân vừa khắc phục hậu quả bão số 9, vừa chuẩn bị phòng chống bão số 10. Các địa phương đã ban bố, ra lệnh cấm biển để bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền.

Tại làng biển Hòa An (xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, Phú Yên), chính quyền cùng với người dân đã hoàn thiện công tác phòng chống bão số 10. Trong sáng 3-10, hàng ngàn bao cát đã được huy động để chằng chống nhà cửa.

Ông Lê Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh, cho biết, triều cường từ cơn bão số 9 đã tàn phá nặng nề bờ biển Hòa An, tấn công vào nhà dân. Trước mắt địa phương chỉ có thể tổ chức chằng chống nhà cửa, sơ tán dân chứ không có giải pháp nào căn cơ hơn. 

Chính quyền địa phương cho biết, đã kiến nghị các cơ quan cấp trên sớm đầu tư kè biển để đảm bảo tính mạng của người dân trước sóng gió.
Tại làng biển Tân Phụng (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định), nơi dự báo bão số 10 đổ bộ trực diện, người dân đang dùng dây thừng, bao cát, tôn thép để ràng buộc, chèn chống nhà cửa. Trong cơn bão số 9, do giữ được khu rừng cây bao chắn ven biển nên nhà cửa người dân ở Tân Phụng được bảo vệ an toàn trước cuồng phong. Vợ chồng anh Hà Văn Toàn (36 tuổi) cho biết: “Nghe bão vào là tôi cứ phải chằng chống, dùng dây thừng để ràng nhà lại cho chắc. Khi bão vào gần bờ tôi sẽ dời vợ con đến nhà cao xin tá túc”.
Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 9, từ chiều tối 3-11, UBND thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) đã đến từng hộ gia đình để thông báo chủ động ứng phó với bão số 10. Trực tiếp đi vận động người dân chống bão, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, nhấn mạnh: “Ngay từ chiều 2-11, địa phương đã họp lại để rút kinh nghiệm từ cơn bão số 9 làm cho 26 ngư dân mất tích trên biển (đã cứu được 3 ngư dân - PV). Qua đó, chúng tôi chủ trương vận động tất cả người dân không ai được chủ quan trước bão số 10. Lo lắng nhất là bão vào sẽ gây mưa lớn, lũ lên chia cắt nên cần chuẩn bị đủ lương thực, phương tiện cho bà con chống bão lũ”. Theo ông Công,  hiện vẫn còn 8 tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn đang trong vùng nguy hiểm của bão số 10. Từ sáng 3-11, địa phương đã cử lực lượng trực tiếp đi đến tận các hộ chủ tàu cá để làm bản cam kết, buộc các ngư dân phải di chuyển khẩn cấp đi trú bão.
Ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết, hiện việc khắc phục bão số 9 đang tiến hành song song với ứng phó bão số 10. Trước mắt, nhiều nhà dân chưa kịp sửa chữa thì tạm dừng, đồng thời đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm, chuẩn bị đồ đạc để tiến hành di dời dân khi có yêu cầu sơ tán tránh trú bão số 10.
Trong khi đó, đến 17 giờ ngày 3-11, 3 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi là Sơn Hà, Minh Long, Sơn Tây đã hoàn thành di dời hơn 480 hộ với hơn 1.900 nhân khẩu nằm trong vùng sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở. Các địa phương đã đưa người dân đến các điểm kiên cố trên địa bàn như Trạm Y tế xã, Nhà văn hóa, trụ sở UBND, trường học… 

Tin cùng chuyên mục