Cảnh giác với dị vật trong phế quản

Bệnh viện (BV) Thống Nhất vừa điều trị thành công một ca bệnh mắc dị vật trong phế quản gây ho kéo dài dù đã đi khám nhiều nơi và uống đủ thuốc tây lẫn thuốc nam. 
Bệnh nhân là ông Trần Cao Hớn (71 tuổi, ở Quy Nhơn), ho đã đúng 2 năm. Trước đó, khi đi khám ở một số BV lớn tại TPHCM, các bác sĩ chẩn đoán bị trào ngược dạ dày, bị viêm phổi…, uống nhiều thuốc thời gian dài vẫn không khỏi bệnh.
Sau khi nhập BV Thống Nhất, ông Hớn được chụp X quang phổi kết hợp các xét nghiệm khác, các bác sĩ của Khoa Nội hô hấp đã loại trừ nguyên nhân viêm phổi và cả tầm soát ung thư hay tìm virus lao cũng không thấy. Qua chụp citi phổi, các bác sĩ phát hiện ở thùy dưới phổi phải bị tổn thương đông đặc, có khả năng cao là dị vật bị mắc lại.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Khoa Nội hô hấp đã tiến hành nội soi phế quản bằng ống mềm để gắp các dị vật tồn đọng trong phế quản và chỉ gắp một lần, cùng với với việc dẫn lưu cho đàm trong phế quản ra ngoài, cộng với điều trị kháng sinh, tập cho bệnh nhân ho, thì bệnh tình đã giảm gần 90%.
Dị vật là một dạng chất rắn nghi là xương cá hoặc xương thịt chưa kịp tiêu kết dính lại dạng tròn, miếng lớn nhất có kích thước 1,5cm x 2,5cm, có thể do bị mắc khi sặc trong quá trình ăn uống mà bệnh nhân không để ý. Chính những thứ này lâu ngày vỡ ra chèn, bít lỗ phế quản, gây ho và làm phổi bị viêm do tắc nghẽn. Sau đó, ông Hớn được nội soi lần 2 để gắp nốt dị vật và sau hơn 2 tuần điều trị đã khỏi bệnh. 
Các bác sĩ Khoa Nội hô hấp đã phẫu thuật cho nhiều trường hợp bị dị vật trong phế quản, nhưng chủ yếu là dạng chất lỏng. Dạng chất rắn đã điều trị 5 - 7 ca. Kinh nghiệm cho thấy, nếu người bệnh bị ho kéo dài không rõ nguyên nhân thì cần cảnh giác; tốt nhất là nên đến các BV khám, tầm soát xác định nguyên nhân và phương thức điều trị.

Tin cùng chuyên mục