Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc: sản lượng sản xuất và giá trị gia tăng đã tăng liên tục trong thời gian dài, thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng, chỉ tạo ra được khối lượng nhiều và rẻ nhưng giá trị thấp, hiệu quả sử dụng tài nguyên chưa cao. Để đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu lại nền kinh tế đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, xung quanh vấn đề này.
- PV: Thưa TS, mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua, nhưng về căn bản, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và sản xuất nông nghiệp chưa có thay đổi về chất. Theo TS, đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
>> PGS-TS Nguyễn Văn Sánh: Quả đúng như vậy! Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và giá trị tăng thêm từ sản xuất nông, thủy sản bộc lộ các hạn chế: Khả năng cạnh tranh thấp, kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm. Nguyên nhân của vấn đề này do đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi, yếu kém trong quản lý chất lượng sản phẩm, liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm thấp. Trong khi đó, cạnh tranh thương mại ngày càng tăng. Các yếu tố này đã ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đặc biệt các vùng thuần nông như ĐBSCL, dẫn đến thu nhập của nông dân vẫn thấp trong khi giá cả và khối lượng hàng hóa thương mại ngày càng cao. Tiếp đó, kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến kém phát triển, công nghiệp chế biến nông sản quy mô nhỏ, công nghệ thiết bị lạc hậu nên chất lượng nông sản hàng hóa thấp, phần lớn xuất khẩu ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng rất thấp, chưa có thương hiệu...
Đáng lưu ý, quá trình đổi mới và gia tăng giá trị có dấu hiệu chậm lại. Hệ thống đổi mới nông nghiệp trì trệ, thiếu sự phối hợp với các tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp. Đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp (tính theo tỷ trọng GDP nông nghiệp) bằng một nửa hoặc thấp hơn so với nhiều quốc gia có thu nhập trung bình khác. Không chỉ hệ thống đổi mới bị chậm phát triển, quá trình gia tăng giá trị cũng có tình trạng tương tự.
- TS có thể đưa ra một ví dụ cụ thể?
Lấy bối cảnh vùng ĐBSCL làm ví dụ: Sản xuất nông nghiệp là chính, xuất phát điểm thấp về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và khai thác tài nguyên chưa hợp lý; cách tiếp cận về nông nghiệp chưa có chiều sâu và tầm nhìn về mối quan hệ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong hoạch định chính sách còn hạn chế; chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực còn nhiều bất cập. Điều này dẫn đến chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng; mức sống của người dân ở đô thị và nông thôn ngày càng giãn rộng.
- Để đổi mới cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, yêu cầu đầu tiên là liên kết vùng. TS có thể nêu một số giải pháp chính yếu cho vấn đề này?
Vấn đề này đã được thảo luận nhiều lần, nhưng triển khai trong thực tiễn còn chậm và thiếu đồng bộ. Tại ĐBSCL, để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và cạnh tranh, việc liên kết vùng cần đặt ra để giải quyết, đồng thời tham gia công tư (tham gia 4 nhà) để đầu tư và phát triển toàn diện vùng là cần thiết. Nếu liên kết và cách tham gia này được tổ chức chặt chẽ sẽ góp phần rất lớn để thực hiện thành công mục tiêu trên. Trong đó, doanh nghiệp cần tập trung phát triển thị trường, định ra khả năng tiêu thụ; nông dân hợp tác sản xuất có định hướng theo hợp đồng; nhà khoa học nghiên cứu đưa ra giải pháp tăng sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp thông tin, tiêu chuẩn hóa sản phẩm xuất khẩu, có cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ tín dụng và tổ chức thực hiện liên kết.
- Nhưng thực tế đòi hỏi nhà nước phải đóng vai chính trong bản phân vai của liên kết 4 nhà?
Vai trò nhà nước về quy hoạch và đầu tư quy hoạch, kiểm soát môi trường, tiêu chuẩn hóa hàng hóa, tạo ra cơ chế và chính sách, 3 nhà còn lại tham gia là tối cần thiết, nhất là liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong từng vùng nguyên liệu. Như thế, 4 nhà mới tham gia nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm có lợi thế vùng như lúa gạo, cây ăn quả, thủy sản. Ở đây, nhà nước phải đóng vai trò hỗ trợ, đặc biệt đảm bảo chất lượng giống cây trồng vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp, hỗ trợ các sáng kiến về nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng chỉ dẫn địa lý; hỗ trợ nông dân đa dạng hóa hệ thống sản xuất nông nghiệp thông qua quy hoạch sử dụng đất linh hoạt, quy trình sản xuất; giảm chi phí sản xuất, giao dịch và hậu cần thông qua thay đổi phương pháp thực hành nông nghiệp và hỗ trợ giao dịch trực tiếp giữa các nhóm nông dân với các doanh nghiệp.
- Vừa qua, chúng ta đã xây dựng đề án về liên kết vùng ở ĐBSCL, đến nay đề án đã triển khai tới đâu, thưa TS?
Xuất phát từ thực tiễn sản xuất và đòi hỏi của cuộc sống, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Đại học Cần thơ kết hợp Viện Lúa ĐBSCL và Viện Cây ăn quả miền Nam cùng với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã nghiên cứu và đề xuất một đề án tổng thể về liên kết vùng với các dự án: phát triển sản xuất lúa gạo; cây ăn trái, cá da trơn, tôm; nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua đào tạo nghề; cơ chế tổ chức và chính sách thực hiện các dự án trên. Đề án đã được Chính phủ chấp thuận về chủ trương. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn “nghẽn mạch” ở các bộ, ngành liên quan khi triển khai chi tiết. Hy vọng Chính phủ sớm phê duyệt đề án để nó đi vào thực tế đời sống và sản xuất, giải quyết những khó khăn nêu trên.
- Theo TS, để thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững, chúng ta cần phải làm gì?
Một trong những giải pháp phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn là chuyển đổi cơ cấu đầu tư, đổi mới doanh nghiệp, phát triển các thành phần kinh tế, tiếp tục đổi mới thể chế, chính sách. Chúng ta phải đẩy mạnh liên kết vùng vì thị trường không có ranh giới, biến đổi khí hậu không có ranh giới. Liên kết vùng với nhiều hình thức, đảm bảo tính ổn định và bình đẳng trong tiếp cận đất đai và các nguồn lực khác; cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn và khả năng tiếp cận dịch vụ công… sẽ giúp nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, hình thành vùng sản xuất lớn, nâng dần lợi thế so sánh. Từ đó mới tính đến chuyện cạnh tranh nông sản với các quốc gia khác.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp cần hướng tới mục tiêu ưu tiên phúc lợi đối với nông dân và người tiêu dùng. Các nông hộ với quy mô tư liệu sản xuất khác nhau, vị thế chính trị và vùng miền khác nhau phải đóng vai trò trung tâm của quá trình chuyển đổi. Hỗ trợ người nghèo gắn với các chỉ tiêu về địa lý dựa trên triển vọng phát triển của vùng, liên kết nông thôn - đô thị, trong đó tập trung vào những nhóm đối tượng trọng tâm là người nghèo và cận nghèo ở nông thôn.
Trần Minh Trường