Cấp bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank: Cần đánh giá tác động đến ngân sách nhà nước

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất nêu trên của Chính phủ, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền tối đa là 17.100 tỷ đồng nhằm giúp ngân hàng này nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định. 

Chiều 22-5, Quốc hội đã nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

Dự án đội vốn phải xin điều chỉnh

Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án này được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2019, với tổng vốn đầu tư là hơn 585 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án có sự thay đổi về đơn giá nhân công, thiết bị máy móc, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng nên tổng vốn đầu tư có tăng.

Đại biểu Quốc hội dự phiên chiều 22-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội dự phiên chiều 22-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, tổng vốn đầu tư sau khi điều chỉnh là hơn 874 tỷ đồng (tăng hơn 288 tỷ đồng) so với tổng vốn đầu tư ban đầu được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, điều chỉnh diện tích sử dụng đất của dự án tăng thêm 4,42ha (tổng diện tích là hơn 697ha). Thời gian thực hiện dự án này tăng thêm một năm so với chủ trương của Quốc hội, tức là đến năm 2025.

Mặt khác, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia nhưng quy mô dự án chỉ tương đương nhóm B. Do đó, để thuận lợi trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư dự án tương tự như dự án nhóm A.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QUANG PHÚC

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này là cần thiết để sớm triển khai. Việc điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án cũng cần thiết, tuy nhiên đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận rà soát, tính toán kỹ lưỡng các khoản mục chi phí để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện dự án; chịu trách nhiệm toàn diện về căn cứ, phương pháp xác định, tính chính xác của các số liệu trong nội dung cấu thành chi phí, sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này là cần thiết để sớm triển khai. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này là cần thiết để sớm triển khai. Ảnh: QUANG PHÚC

Ngoài ra, đánh giá thêm các nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc thay đổi các giải pháp kỹ thuật so với thiết kế ban đầu, chậm hoàn thiện các thủ tục trình phê duyệt dự án, dẫn đến chậm tiến độ, qua đó rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án sau này.

Đánh giá kỹ lưỡng

Về tăng vốn điều lệ cho Agribank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng này là cần thiết.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng này là cần thiết. Ảnh: QUANG PHÚC
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng này là cần thiết. Ảnh: QUANG PHÚC

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần giúp ngân hàng này bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (8%) theo quy định. Đồng thời cải thiện kết quả xếp hạng tín nhiệm, mở rộng hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững.

Song song đó, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là cung ứng vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về “Xây dựng nông thôn mới” và “Giảm nghèo bền vững”.

Đại biểu Quốc hội lắng nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội lắng nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra. Ảnh: QUANG PHÚC

Mức vốn Chính phủ đề nghị cấp bổ sung cho Agribank là 17.100 tỷ đồng. Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước là bảo đảm cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất nêu trên của Chính phủ, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền tối đa là 17.100 tỷ đồng nhằm giúp ngân hàng này nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QUANG PHÚC

Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về cơ sở thực tiễn, bối cảnh hiện nay tác động đến ngân sách nhà nước, cân đối nguồn thu; có phương án xử lý trong trường hợp nộp ngân sách của Agribank trong năm 2023 không đạt như dự kiến, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách nhà nước, doanh thu và lợi nhuận của Agribank có thể không đạt được như kỳ vọng, khả năng phát hành thành công trái phiếu.

Tin cùng chuyên mục