Hơn 74% vụ cháy được lực lượng tại chỗ xử lý
Thời gian qua, công tác PCCC là nội dung luôn được Thành ủy, HĐND và UBND TPHCM dành sự quan tâm chỉ đạo, điều hành rất sát sao và quyết liệt với việc ban hành 50 văn bản. Trong đó, tất cả văn bản của UBND TPHCM đều lồng ghép các nội dung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp trọng tâm liên quan đến công tác PCCC đối với các tổng công ty, đơn vị trực thuộc, tùy vào chức năng và nhiệm vụ cụ thể. Tại các sở ban ngành, UBND quận huyện đều thành lập ban chỉ đạo thực hiện công tác PCCC trong phạm vi, địa bàn quản lý. Việc phối hợp, triển khai những chỉ đạo của cấp trên giữa lực lượng PCCC chuyên nghiệp với nhiều đơn vị chức năng khác của thành phố tương đối chặt chẽ, hiệu quả.
Theo thống kê, TPHCM hiện có 1.991 đội dân phòng (ở tất cả khu phố, ấp); hơn 30.000 đội PCCC cơ sở (ở các cơ quan, doanh nghiệp) và 17 đội PCCC chuyên ngành. Về cơ bản, hầu hết đều được đào tạo, huấn luyện và trang bị phương tiện, dụng cụ PCCC và CNCH theo quy định. Chất lượng phong trào toàn dân tham gia PCCC từng bước được nâng lên. Giai đoạn 2014-2018, trên địa bàn TPHCM xảy ra 6.245 vụ cháy. Trong đó, lực lượng cảnh sát PCCC chuyên nghiệp trực tiếp tổ chức chữa cháy 1.594 vụ (chiếm tỷ lệ 25,55%); lực lượng PCCC tại chỗ kịp thời phát hiện và xử lý 4.651 vụ (chiếm tỷ lệ 74,45%).
Theo đồng chí Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, sau khi khảo sát thực tế công tác PCCC tại một số loại hình cơ sở như: cảng, chung cư, khu công nghiệp, bệnh viện... kết quả cho thấy TPHCM làm rất tốt, đa số cơ sở đều có ý thức PCCC cao. Trong số hơn 6.000 sự cố cháy, Cảnh sát PCCC giải quyết trực tiếp hơn 25%, còn lại hơn 74% đã được lực lượng tại chỗ xử lý. Đây là con số tích cực, đáng hoan nghênh vì lực lượng tại chỗ rất quan trọng, giải quyết ngay tức thì.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, các đại biểu cũng nêu lên nhiều vấn đề đáng quan ngại về công tác PCCC của TP. Hiện nay, TPHCM có hơn 10.000 trụ nước chữa cháy, nhưng khoảng 1.000 trụ đã hư hỏng. Theo Đề án quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn đến năm 2025 thì địa phương vẫn còn thiếu 10.000 trụ nước chữa cháy. Có những cơ sở chưa thực hiện thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng trước khi có Luật PCCC. Bên cạnh đó, hiện nay có một số quy định đang chồng chéo khiến lực lượng Cảnh sát PCCC gặp khó khăn trong việc kiểm tra an toàn PCCC ở các dự án, công trình thuộc diện quản lý. Cụ thể, Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31-7-2014 của Chính phủ quy định 1 năm kiểm tra an toàn cháy nổ 4 lần, nhưng Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13-7-2018 của Thủ tướng thì yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC “chỉ kiểm tra mỗi năm không quá một lần” để tránh phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp... Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, băn khoăn: “Khi xảy ra cháy nổ chết người thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc và hỏi tại sao không kiểm tra việc chữa cháy thường xuyên theo Nghị định 79, nhưng nếu kiểm tra nhiều lần thì lại vướng Chỉ thị 20. Thú thực là chúng tôi rất băn khoăn!”.
Kiên trì với mục tiêu, chiến lược dài hạn
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác PCCC trên toàn địa bàn trong thời gian tới, theo các đại biểu, TPHCM cần tiếp tục kiên trì, quyết tâm hiện thực hóa những mục tiêu mang tính chiến lược dài hạn đã được hoạch định lộ trình. Công tác phòng chống cháy nổ nếu lơ là, mất cảnh giác thì thiệt hại sẽ rất khó lường. Vì vậy, việc rút ngắn bán kính hoạt động, cải tạo nâng cấp đầu tư phương tiện, đào tạo lực lượng nhằm nâng cao công tác PCCC là hết sức cần thiết. Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, nguyên Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, Đề án quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn TPHCM đến năm 2025 cần tổng kinh phí hơn 8.000 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị, nhân lực. Đây là đề án đã được hội đồng khoa học, các sở ngành, địa phương bàn bạc kỹ lưỡng và được UBND TPHCM phê duyệt. “Nay Cảnh sát PCCC sáp nhập vào Công an TPHCM, vậy đề án này có tiếp tục được thực hiện hay không? Theo tôi, phát triển kinh tế - xã hội đồng nghĩa với an toàn, nên thành phố cần quyết tâm thực hiện bằng được đề án, ít nhất là đầu tư trang thiết bị”, Đại tá Lê Tấn Bửu đề nghị.
Về một số bất cập trong hành lang pháp lý, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng đề xuất, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan kịp thời tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn, quy chuẩn, tiêu chuẩn một cách đồng bộ, tránh tình trạng luật, nghị định ban hành mà chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Phối hợp chặt chẽ trong việc ban hành các văn bản pháp luật về PCCC, không để tình trạng chồng chéo, bất cập giữa các văn bản pháp luật về PCCC.
Như vậy có thể thấy, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, nhiều diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ rất lớn như hiện nay, cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân TPHCM vẫn còn nhiều việc phải làm với quyết tâm cao và nghiêm túc để hiểm họa cháy nổ không trở thành “lực cản” đối với sự đi lên bền vững, hướng đến “chất lượng sống tốt” của địa phương.