Shin - Cậu bé bút chì có lẽ là bộ truyện tranh gây ra nhiều tranh cãi trái chiều nhất sau khi được NXB Kim Đồng chính thức xuất bản năm 2006. Shin đã ngừng xuất bản chỉ sau vài tập đầu tiên. Tháng 11-2011, Shin trở lại với lời hứa hẹn của NXB là đã chỉnh sửa cho phù hợp với văn hóa đọc Việt Nam.
Phản giáo dục hay không?
Shin - Cậu bé bút chì (Crayon Shin-chan) là một bộ manga (truyện tranh Nhật Bản) do tác giả Yoshito Usui sáng tác, với các tập truyện xoay quanh những câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày của cậu bé Shinnosuke Nohara, còn được gọi là “Shin”. Đó là một cậu bé 5 tuổi rất hiếu động bên cạnh cha mẹ, em gái, hàng xóm, bạn bè trong một gia đình Nhật điển hình tại tỉnh Kasukabe, Saitama.
Đây là một trong những bộ manga nổi tiếng, chỉ riêng ở Nhật Bản đã có 70 triệu bản sách được bán ra. Năm 2006, NXB cho ra mắt tác phẩm có bản quyền và hy vọng Shin - Cậu bé bút chì sẽ trở thành một ấn phẩm thu hút bạn đọc trong nước như tại các nước khác.
Thế nhưng, chỉ sau mấy tập đầu tiên, bộ truyện đã tạo nên một làn sóng dư luận dữ dội vào lúc đó. Về cơ bản, các ý kiến chia ra hai thái cực, khen hết lời, chê tận cùng.
Người chê lấy dẫn chứng những đoạn được cho là phản cảm, thiếu giáo dục như Shin rất hay cởi truồng vẽ hình voi trên bụng, Shin có những hành vi “người lớn”, Shin có các hành động thiếu giáo dục như lấy camera siêu thị chĩa vào dưới váy mẹ… và họ lo sợ bạn đọc nhỏ tuổi sẽ bắt chước theo Shin.
Những người ủng hộ cho rằng, tác giả chủ tâm xây dựng hình tượng một cậu bé tinh nghịch, có khiếu quan sát và rất giỏi bắt chước người lớn. Mà ở lứa tuổi của cậu bé, sự bắt chước này lại không hề phân biệt cái tốt, cái xấu nên không có lỗi (?). Rất nhiều hành động của Shin như đọc tạp chí “người lớn”, chọc phụ nữ hấp dẫn… là học từ người lớn.
Sửa hay bỏ?
Có người từng đặt câu hỏi: “Shin có thể có tính giáo dục nhưng nếu tranh cãi như thế vậy có cần thiết phải xuất bản không?”.
Vấn đề này đã từng có một bạn đọc là phụ huynh trả lời: “Bởi vì Shin - Cậu bé bút chì là một bộ sách hay, hấp dẫn về đề tài dạy con nhỏ. Rất nhiều vấn đề nhạy cảm trong cuộc sống như quan hệ vợ chồng sau khi con bắt đầu lớn, phản ứng của bố mẹ trước những câu hỏi tế nhị của con… đã được nhắc đến trong nhiều cuốn sách giáo dục về gia đình nhưng không đâu hài hước, gần gũi và cụ thể như ở Shin”.
Tuy nhiên, dù sao, có rất nhiều điểm trong sách là lấy từ các nét văn hóa riêng của Nhật Bản nên khi đưa vào Việt Nam dễ gây phản cảm. Vì thế, trong lần tái bản này, NXB Kim Đồng đã phải thực hiện một số thay đổi, đầu tiên là việc gắn mác 12+ (chỉ dành cho bạn đọc từ 12 tuổi trở lên). Có điều trên thực tế tại Việt Nam, việc định tuổi trên bìa sách mang lại rất ít hiệu quả thực tế, thậm chí có khi còn gây tác dụng ngược lại là kích thích bạn đọc nhỏ tuổi tò mò tìm đọc. Chính vì thế, NXB phải nhờ đến họa sỹ Đức Lâm, một người nổi tiếng trong việc biên tập, xử lý những vấn đề nhạy cảm trong dòng truyện tranh manga, điển hình là bộ Doreamon.
Rất nhiều hình ảnh nhạy cảm đã được chỉnh sửa lại cho phù hợp văn hóa Việt Nam. Để thực hiện được việc sửa chữa này, Kim Đồng đã phải đàm phán với NXB Nhật Futabasha (đơn vị nắm bản quyền tác phẩm). Việc thay đổi này khiến Shin - Cậu bé bút chì dễ được chấp nhận hơn dù với một số người hâm mộ việc thay đổi trên khiến bộ truyện mất đi nhiều nét độc đáo riêng.
TƯỜNG VY