Câu chuyện tụt hậu

Sự kiện Viện Pasteur Pháp thông báo bỏ dở dự án nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 và Tập đoàn Dược Sanofi tuyên bố tiến trình bào chế dòng vaccine sẽ bị chậm lại vì kết quả thử nghiệm không đạt yêu cầu đã bị dư luận trong nước chỉ trích.
Viện Pasteur tại Paris. Ảnh: AP
Viện Pasteur tại Paris. Ảnh: AP

Nhiều ý kiến cho rằng đây là 2 sự kiện cho thấy sự tụt hậu trong nghiên cứu khoa học của nước Pháp. Việc bỏ cuộc giữa chừng của Viện Pasteur, nơi nổi tiếng thế giới nghiên cứu về dịch bệnh, còn được cho là một tin xấu cho ngành công nghiệp dược phẩm nước này.

Trước đó, Viện Pasteur đã khiến người dân nhen nhóm hy vọng về dòng vaccine dạng uống đầy triển vọng do Công ty Công nghệ sinh học TheraVectys, ra đời từ Viện Pasteur, chuyên về mảng bào chế vaccine triển khai nghiên cứu.

Ngoài ra, còn dòng vaccine thứ 2 dựa trên công nghệ ADN sử dụng cơ sở của vaccine phòng bệnh sởi. Với Sanofi, tập đoàn dược phẩm này đang đối mặt với nhiều khó khăn khi phải sa thải 1.700 nhân công tại châu Âu. Trong đó có nhiều vị trí trong nghiên cứu và phát triển, đặc biệt tại Pháp. Sanofi cho biết cuối năm 2019 đã muốn cân đối lại chi tiêu với mục tiêu tiết kiệm khoảng 2 tỷ EUR từ giờ cho đến 2022, trong đó có việc ngừng nghiên cứu về bệnh tiểu đường, một trong những lĩnh vực truyền thống của hãng.

Giải thích về những thất bại trên, ông Jacques Haiech, Giáo sư Công nghệ sinh học Đại học Strasbourg, nhận định ngoài tác động từ chính sách khắc khổ kinh tế đối với năng lực nghiên cứu khoa học của Pháp, các trung tâm nghiên cứu công nghiệp dược phẩm Pháp có xu hướng dịch chuyển ra nước ngoài từ nhiều năm nay. Nếu so sánh về tiến trình nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, hiện không chỉ riêng Pháp, nhiều nước trong Liên minh châu Âu ( EU) đang gặp vấn đề tương tự khi đang có xu hướng tụt hậu hơn so với Mỹ. Riêng với cuộc đua tìm vaccine, Mỹ đã chi 10 tỷ USD cho chiến dịch tìm kiếm vaccine thần tốc, với EU con số này chỉ khoảng 3 tỷ USD…

Theo nghiên cứu của Văn phòng Tư vấn McKinsey & Company, từ năm 2019, giới nghiên cứu công nghệ sinh học châu Âu nhận nguồn tài chính tư nhân ít hơn 5 đến 6 lần so với đồng nghiệp Mỹ.

Thậm chí, nhiều bình luận trên mạng xã hội tại Pháp còn cho rằng đây là một thất bại cay đắng của ngành công nghệ sinh học nước này. Ở chiều ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng khi nghiên cứu vaccine và nhất là với vaccine ngừa Covid-19, thì giữa được và mất là chuyện bình thường. Họ chấp nhận việc sẵn sàng đợi đến khi vaccine do chính Pháp sản xuất cho ra những kết quả thử nghiệm hiệu quả nhất.

Tin cùng chuyên mục