Chẩn bệnh du lịch Huế chậm phát triển

Chiều 14-7, phiên chất vấn kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VII “sốt ruột” vì ngành du lịch tỉnh này chậm phát triển.

Du khách tập thêu tại Bảo tàng nghệ thuật thuê XQ Huế.
Du khách tập thêu tại Bảo tàng nghệ thuật thuê XQ Huế.

 Kỳ vọng phát triển ngành du lịch với thực tế đạt được còn khoảng cách quá lớn? Bên cạnh đó, tiến độ triển khai dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế chậm khiến nhiều tuyến đường tại thành phố này ngổn ngang; hoàn trả mặt đường chưa đảm bảo yêu cầu ảnh hưởng mỹ quan đô thị và giao thông đi lại của người dân… cũng được mổ xẻ tại phiên chất vấn.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Đại biểu Phạm Thị Minh Huệ chất vấn, du lịch xác định là ngành kinh tế mũi nhọn được tỉnh Thừa Thiên – Huế đặc biệt quan tâm song vẫn chưa thấy sự khởi sắc. Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trên 30%. Thế nhưng lượng khách lưu trú đến Huế 6 tháng đầu năm 2017 tăng khá chậm, chỉ tăng 2,08% so cùng kỳ, bình quân thời gian lưu trú của khách chỉ còn 1,78 ngày/lượt khách, thấp hơn mức bình quân 1,9 đến 2 ngày/lượt của thời kỳ 5 năm trước. Đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phân tích, làm rõ nguyên nhân và cho biết giải pháp cụ thể trong thời gian tới?

Chẩn bệnh du lịch Huế chậm phát triển ảnh 1 Ông Lê Hữu Minh, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch trả lời  tại  phiên chất vấn
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế chỉ ra hàng loạt nguyên nhân được xem là “căn bệnh” khiến du lịch Huế chậm phát triển gồm: Sản phẩm du lịch về đêm và các dịch vụ vui chơi giải trí trên địa bàn vừa thiếu vừa yếu, chưa thu hút, hấp dẫn được du khách; sản phẩm chủ lực là ca Huế trên sông Hương nhưng chất lượng dịch vụ không cao; chưa hình thành được không gian với thiết chế văn hóa kết hợp khu ẩm thực Huế hoàn chỉnh ở tuyến đường Lê Lợi, TP Huế; thiếu các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao tầm quốc gia và quốc tế diễn ra đều trong quý, tháng. Kết nối tour tuyến phụ thuộc khá nhiều vào các công ty ở hai đầu đất nước…
Ngoài ra, các dự án du lịch lớn, mang tính chiến lược của một số tập đoàn đầu tư có thương hiệu đang đầu tư  tại Huế là một kỳ vọng cho sự phát triển đột phá và tạo điểm nhấn về thương hiệu, tạo ra sản phẩm để thu hút khách. Nhưng đến nay phần lớn các dự án này tiến độ triển khai rất chậm. Nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp cho công tác phát triển sản phẩm du lịch còn khá hạn chế. Các doanh nghiệp du lịch Huế, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành thiếu tiềm lực để đầu tư, chỉ tập trung theo hướng khai thác và kết nối xây dựng tour có sẵn là chính. Hạ tầng du lịch vẫn còn hạn chế nhất định, nhất là việc khai thác các đường bay quốc tế đến Huế.
Để du lịch Huế khởi sắc, ông Minh đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thời gian tới như: Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổ chức các sự kiện hàng tháng tại Huế thử nghiệm trong năm 2018 và tổ chức thực hiện trong các năm về sau nhằm thu hút khách du lịch đến Huế… Đẩy mạnh việc khai thác dịch vụ thuyền trên sông Hương cũng như hai bờ sông này bằng việc chuyên nghiệp hóa về điều kiện thuyền, ca Huế và các dịch vụ bổ sung kèm theo. Hình thành các khu ẩm thực kết hợp với các hoạt động nghệ thuật ở một số khu vực trên đường Lê Lợi và Trần Hưng Đạo để cùng gắn với các khu phố đi bộ, phố đêm.

Tiếp tục nâng cao chất lượng và tăng cường các sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa di sản, cụ thể tại Đại Nội và hệ thống lăng tẩm, nghiên cứu xây dựng các dịch vụ có tính tương tác cao giữa khách du lịch và điểm đến. Đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch Huế thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội…

Chưa hài lòng với câu trả lời của ông Phó Giám đốc Sở Du lịch, HĐND tiếp tục “truy” trách nhiệm của Sở Du lịch trong việc thúc đẩy ngành phát triển? Ông Lê Hữu Minh nói sẽ xây dựng đưa vào vận hành thêm trang web tiếng Anh và sắp tới một số ngôn ngữ khác để tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Huế đến với du khách. Trong khi theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, sẽ nỗ lực trong việc thắp sáng và tổ chức các hoạt động cung đình trong chương trình Đại Nội về đêm nhằm tạo thêm sản phẩm du lịch cho Huế cũng như níu kéo du khách ở lại Huế nhiều hơn. Song cần có sự phối hợp giữa TP. Huế, Sở Du lịch.

Chẩn bệnh du lịch Huế chậm phát triển ảnh 2

Chương trình Đại nội Huế về đêm được kỳ vọng sẽ níu kéo du khách ở lại với Huế

Riêng Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật cho hay, TP. Huế đã xây dựng đề án đi bộ Chu Văn An-Phạm Ngũ Lão-Võ Thị Sáu cùng với hoàn chỉnh để triển khai dự án thí điểm ở phố đi bộ. Về chợ đêm, TP. Huế đã khảo sát các địa điểm khả thi, tuy nhiên do quỹ đất khó khăn nên TP. Huế đang nghiên cứu các địa điểm phù hợp.

Mong người dân chia sẻ

Phiên chất vấn tiếp tục “nóng” liên quan đến tiến độ triển khai dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế chậm khiến nhiều tuyến đường tại thành phố này ngổn ngang; hoàn trả mặt đường chưa đảm bảo yêu cầu ảnh hưởng mỹ quan đô thị và giao thông đi lại của người dân… Đại biểu Lưu Đức Hoàn nêu câu hỏi: Tại kỳ họp thứ 3, cuối năm 2016 bản thân tôi đã chất vấn UBND tỉnh về tiến độ triển khai dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế. UBND TP. Huế đã thừa ủy quyền UBND tỉnh trả lời và đưa ra các giải pháp thực hiện án đúng tiến độ, đảm bảo hoàn thành vào cuối năm 2018 theo đúng cam kết với nhà tài trợ. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình triển khai thực tế và phản ánh của nhiều cử tri cho thấy tiến độ thực hiện các hạng mục của dự án này còn chậm, nhiều tuyến đường đang còn ngổn ngang, việc hoàn trả mặt đường chưa đảm bảo yêu cầu đã ảnh hưởng mỹ quan đô thị cũng như giao thông đi lại của người dân?

Chẩn bệnh du lịch Huế chậm phát triển ảnh 3

Nhiều tuyến đường tại TP Huế bị bới tung để triển khai dự án cải thiện môi trường nước.

Giám đốc Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế Nguyễn Thanh Tuấn Anh thừa nhận, dự án hiện đã triển khai tất cả 31 gói thầu lớn nhỏ, song tiến độ triển khai chậm so với kế hoạch. Trong đó, chậm nhất là gói thầu Nhà máy xử lý nước thải, trạm bơm và cống áp lực, vận hành và bảo dưỡng mới đạt 16%. Ban đã chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ trong mùa nắng. Đồng thời Ban quan lý dự án đã được tăng cường, thay đổi Giám đốc, biệt phái thêm Phó Giám đốc và chấn chỉnh lề lối làm việc, nhất là với các đơn vị tư vấn. Ngoài ra, Ban sẽ làm việc với các ngành giao thông, đường sắt để triển khai cắt, đào đường, nhất là các hạng mục trên các trục đường, khu vực do Trung ương quản lý để triển khai dự án được nhanh hơn.

Chẩn bệnh du lịch Huế chậm phát triển ảnh 4

Giám đốc Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế Nguyễn Thanh Tuấn Anh trả lời chất vấn


Kết thúc phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu cho rằng, dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế là một dự án đầu tư quy mô nên mong người dân chia sẻ. Tuy nhiên, Ban quản lý dự án cần đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng thi công công trình. Làm đến đâu, hoàn thiện đến đó để người dân đi lại thuận tiện. Rà soát năng lực của chủ thầu, cần soát xét lại năng lực, yêu cầu tăng cường thi công, kể cả ban đêm. Mùa mưa sắp tới nên cần đẩy nhanh tiến độ. Năm 2018, Huế sẽ tiếp tục tổ chức Festival nên cần ưu tiên triển khai làm các tuyến đường trung tâm thường tổ chức lễ hội.

Cũng tại phiên chất vấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Quốc Hùng đã trả lời câu hỏi về tình hình gia tăng số người nghiện ma túy 6 tháng đầu năm 2017 và các giải pháp hạn chế vấn nạn này thời gian tới được các đại biểu đồng tình và đánh giá cao.

Tin cùng chuyên mục