Chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân TPHCM lần thứ XI: Nông dân là rường cột ở nông thôn

Những người nông dân TPHCM đã khẳng định vai trò rường cột trong quá trình xây dựng nông thôn mới và chủ động nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần đưa bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày.

Đi đầu xây dựng nông thôn mới

Đã 30 năm nay, trong mắt người dân ấp 5, xã Hòa Phú (huyện Củ Chi), ông chủ “Nấm mười Sài Gòn” Bùi Văn Mười không chỉ nổi tiếng với thương hiệu nấm mà còn là người nông dân “say” với các phong trào ở địa phương.

Khi xã Hòa Phú thực hiện xây dựng nông thôn mới, cuộc sống của nông dân Bùi Văn Mười càng bận bộn hơn. Ông không chỉ tham gia cùng với đoàn cán bộ xã giám sát các công trình phụ trợ xây trên đất nông nghiệp, dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường mà còn tích cực cùng các hội viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, vận động 54 hộ dân hiến hơn 8.290m2 đất (trị giá gần 2,5 tỷ đồng) mở đường và đóng góp, vận động kinh phí cùng người dân tổ 8, ấp 5 tổ chức bê tông hóa tuyến hẻm 26 đường 214, với kinh phí 124 triệu đồng.

Nông dân xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM tham gia dọn vệ sinh đường sá, xây dựng nếp sống mới ở nông thôn

Nông dân xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM tham gia dọn vệ sinh đường sá, xây dựng nếp sống mới ở nông thôn

Người dân xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi cũng tự hào về nông dân Hoàng Minh Đức (ngụ ấp Bình Hạ Đông). Ông Đức có cơ sở nuôi cá bột rộng trên 5.000m2, không chỉ tự làm giàu mà tạo việc làm cho 15 lao động, với thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Đức cũng hiến đất, vật kiến trúc để làm đường với tổng diện tích 400m2, trị giá khoảng 300 triệu đồng.

Đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ) là nông dân Đặng Văn Út (ngụ tổ 2, ấp An Bình), được người dân thường gọi là mạnh thường quân của xã. Nông dân Đặng Văn Út trao tặng 289 phần quà cho hội viên nông dân, người dân nghèo, dân tộc thiểu số (tổng trị giá gần 174 triệu đồng); trao tặng 90 suất học bổng Lương Định Của (tổng trị giá 90 triệu đồng) đến các học sinh.

Theo Hội Nông dân TPHCM, lực lượng nông dân thành phố luôn tiên phong đi đầu, đã trở thành những tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Nông dân thành phố còn tích cực thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Tiêu biểu là nông dân ở các huyện Bình Chánh, Củ Chi tham gia xây dựng 4 tuyến đường điểm xanh - sạch - đẹp; nông dân ở quận 12 ra quân vệ sinh, khơi thông dòng chảy tuyến rạch Ông Trang tại phường An Phú Đông.

Nhiệm kỳ qua, nông dân TPHCM luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương và là lực lượng nòng cốt trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nông dân cũng tích cực tham gia các chương trình “Tết làm điều hay”, “Tết nghĩa tình”, “Kết nối biên cương”, tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động an sinh xã hội của Hội Nông dân TPHCM. Hội Nông dân TPHCM vận động gần 39 tỷ đồng chăm lo hội viên nông dân nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của thành phố và hỗ trợ hội viên nông dân các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tham gia bảo vệ an ninh trật tự

Lực lượng nông dân TPHCM ngày nay không những có chí làm giàu, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới mà còn tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn cuộc sống thanh bình ở nông thôn.

Theo UBND xã An Thới Đông, ông Đặng Văn Út cùng gia đình tích cực tham gia các hoạt động trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương. Dịp tết năm 2023, ông hỗ trợ kinh phí, vận động người dân đóng góp 375 triệu đồng lắp đặt 250 bộ đèn năng lượng mặt trời ở tuyến đường xã An Thới Đông và Lý Nhơn. Từ khi các tuyến đường được thắp sáng, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông đã chuyển biến tích cực.

Người dân vùng mai vàng, xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) vẫn nhớ như in hình ảnh nông dân Nguyễn Văn Kiêm quên mình tham gia phòng chống dịch Covid-19 năm 2021. Sau những giờ trực tại chốt dân phòng ấp 3, ông dùng tiền cá nhân mua rau củ, nhu yếu phẩm mang đến tặng cho người dân.

Còn nông dân Nguyễn Minh Tiến (ngụ ấp 3, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) nói vui: “Mình là nông dân nhưng đã thấm chất người lính Cụ Hồ”. Ông kể, trở về quê sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây mía sang cây mai vàng, theo mô hình nông nghiệp đô thị. Cây mai vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, vừa tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ. Ông cũng thường xuyên hỗ trợ mì gói, nhu yếu phẩm, nước uống cho lực lượng dân phòng và tổ an ninh trật tự “Nông dân tự quản ấp 3”, tổ “Mai vàng phòng chống tội phạm” do Hội Nông dân thành lập.

Tin cùng chuyên mục