Chặt chẽ nhưng không tạo rào cản

Bên lề phiên thảo luận tại hội trường ngày 19-6 về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đồng tình với quan điểm của cơ quan soạn thảo là cần chặt chẽ, nhưng không khó khăn trong việc cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở.

Thực tế, dự thảo mới nhất đã thể hiện sự tiếp thu nhiều nội dung được ĐB góp ý tại phiên thảo luận tổ, bao gồm việc công bố công khai các khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh; quy định rõ quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất…

Tuy nhiên, trên quan điểm thận trọng, một số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ hơn đối với cá nhân nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam, cụ thể, phải là người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam.

Theo Bộ Xây dựng, quy định cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam không phải hoàn toàn mới, mà được kế thừa từ Nghị quyết số 19/2008/QH12 (về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam) và Luật Nhà ở 2014. Tổng hợp từ các địa phương, từ khi thực hiện Luật Nhà ở 2014 đến nay, cả nước có hơn 3.500 tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc nhiều quốc tịch mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Về cơ bản, chính sách này đang được thực hiện thông suốt.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định rõ các đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, loại nhà ở và tỷ lệ tối đa được sở hữu (chỉ được mua trong dự án nhà ở thương mại và dự án này phải nằm trong khu vực không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng; số lượng sở hữu không vượt quá 30% căn hộ trong một tòa nhà hoặc không quá 250 căn nhà ở riêng lẻ trong dự án); thời hạn sở hữu tối đa (không quá 50 năm đối với cá nhân nước ngoài)…

Do đó, việc bổ sung thêm điều kiện phải là người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam - thu hẹp đáng kể phạm vi đối tượng được mua - là không cần thiết.

Tin cùng chuyên mục