Tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm tại Việt Nam khoảng 80,6 tỷ m3, chiếm xấp xỉ 10% tổng lượng nước hiện có của cả nước. Trong đó, trên 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm). Mặc dù tài nguyên nước của Việt Nam có trữ lượng dồi dào, nhưng trên thực tế nguồn nước có thể sử dụng ngay lại có hạn vì phân bố không đều. Nhiều vùng bị thiếu nước sạch để sinh hoạt do ô nhiễm, nhiễm mặn, nhiễm phèn, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán và các tác nhân khác.
Nước thải công nghiệp không được xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sạch. Ảnh: THÀNH TRÍ
70% tổng diện tích sông ngòi Việt Nam nằm trên địa phận quốc tế
Việt Nam có 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối tương đối lớn. Tổng lượng nước mặt trung bình năm của Việt Nam khoảng 830 tỷ m3, được tập trung chủ yếu trên 9 lưu vực sông lớn (bao gồm các sông: Hồng, Thái Bình, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai, Cửu Long) và 4 nhánh sông là sông Đà, sông Lô, sông Sê San, sông Srê Pok, đã tạo nên một lưu vực trên 10.000km², chiếm khoảng 93% tổng diện tích của mạng lưới sông ngòi Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều loại hồ tự nhiên, hồ đập, đầm phá, vực nước có kích thước khác nhau tùy thuộc vào mùa. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có hơn 3.500 hồ chứa lớn nhỏ và khoảng 650 hồ chứa cỡ lớn và trung bình dùng để sản xuất thủy điện, kiểm soát lũ lụt, giao thông thủy, thủy lợi và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, khoảng 63% nguồn nước mặt của Việt Nam (tương ứng với 520 tỷ m3) được sản sinh ở nước ngoài, chỉ có gần 310 tỷ m3 mỗi năm được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Nước ngầm là nguồn nước có tiềm năng trữ lượng lớn, đặc biệt là ở đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ. Tổng trữ lượng tiềm năng nguồn nước dưới đất khoảng 63 tỷ m³/năm.
Nếu chỉ xét riêng tổng lượng nước hàng năm của cả nước, có thể lầm tưởng rằng Việt Nam là quốc gia có tài nguyên nước dồi dào. Tuy nhiên, theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế thì quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000m³/người/năm là quốc gia thiếu nước. Như vậy, nếu chỉ tính riêng lượng tài nguyên nước mặt sản sinh trên lãnh thổ thì ở thời điểm hiện nay, Việt Nam đã thuộc số các quốc gia thiếu nước và sẽ gặp phải rất nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai gần, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Chưa kể, tài nguyên nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các nguồn nước quốc tế và đang đứng trước thách thức về an ninh nguồn nước do các quốc gia thượng nguồn tăng cường khai thác nguồn nước xây dựng các công trình thủy điện, chuyển nước và xây dựng nhiều công trình lấy nước. Chắc chắn nguồn nước chảy về Việt Nam sẽ ngày càng suy giảm và Việt Nam sẽ không chủ động, phụ thuộc vào các nước ở thượng lưu.
Việt Nam đang thiếu nước ngọt nghiêm trọng
Không dừng lại đó, chất lượng nguồn nước tại Việt Nam bị suy giảm nghiêm trọng, đã và đang hủy hoại môi trường sống và đẩy người dân đến gần ngưỡng rủi ro nguy hiểm. Ước tính khoảng 37% lượng nước mất đi do lãng phí, thậm chí có nơi lên đến 50%. Nguyên nhân là một phần hệ thống tưới tiêu của Việt Nam được xây dựng từ thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, đến nay đã bị xuống cấp và hư hỏng nặng. Hệ thống tưới tiêu hiện tại chỉ có khả năng cung cấp nước cho khoảng 50% - 60% theo yêu cầu thiết kế được tưới.
Tình trạng xả thải thiếu kiểm soát chặt chẽ cũng đang góp phần làm nguồn nước sạch Việt Nam giảm. Ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước đang là chuyện “nhãn tiền” ở khắp nơi và ngày một nghiêm trọng, lan rộng hơn, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và sản xuất. “Thủ phạm” gây ô nhiễm chính là nguồn nước thải khổng lồ chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu không ngừng đổ vào các sông, hồ từ các đô thị, cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, làng nghề, bệnh viện, từ khai thác khoáng sản… Theo kết quả nghiên cứu, phân tích, điều tra và đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ gần 323.000 mẫu phân tích tại 6.938 xã trên địa bàn 660 huyện thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, có 12,5% số mẫu có hàm lượng Asen từ 0,05mg/l trở lên.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, có khả năng tác động mạnh lên tài nguyên nước và làm cho những vấn đề vốn rất nghiêm trọng nêu trên càng nghiêm trọng hơn. Nhiều vấn đề về tài nguyên nước hiện chỉ tiềm ẩn ở dạng các nguy cơ thì có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần. Theo dự báo, tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm dòng chảy trong mùa khô ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (chỉ tính riêng lượng nước phát sinh trong vùng) suy giảm khoảng 4,8% vào năm 2020, 14,5% vào năm 2050 và khoảng 33,7% vào năm 2100.
Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi phải có những biện pháp đồng bộ, có tính hệ thống và thực hiện kiên trì với quan điểm quản lý tổng hợp tài nguyên nước, quản lý suy giảm nguồn nước, khan hiếm nước. Những biện pháp quan trọng hàng đầu gồm điều tra cơ bản đồng bộ; quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông; phát triển nguồn nước với các biện pháp công trình và phi công trình; xây dựng cơ chế điều hòa, phân bổ nguồn nước ở một số lưu vực trọng điểm; tăng cường quản lý nhu cầu, có cơ chế kinh tế, tài chính bảo đảm dùng nước hiệu quả, tiết kiệm và nâng cao giá trị đóng góp cho phát triển của tài nguyên nước; xây dựng cơ chế phối hợp bảo đảm vận hành hiệu quả các công trình tài nguyên nước; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, điều chỉnh quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực trên cơ sở quy hoạch tổng thể lưu vực để phù hợp với tiềm năng nguồn nước; tăng cường phòng chống ô nhiễm, suy thoái nguồn nước… Điều đáng nói là hiện giải pháp quản lý tài nguyên nước ở nước ta triển khai chậm chạp, thiếu cụ thể, chưa tập trung vào những khâu chính, nội dung chính của nguồn nước và các yếu tố ảnh hưởng.
PHÙNG CHÍ SỸ
Trung tâm Công nghệ Môi trường