Châu Á tích cực phục hồi kinh tế

Theo hãng tin South China Morning Post, sau khi mức tăng trưởng giảm mạnh vào năm 2020, các nền kinh tế châu Á đã sẵn sàng cho kế hoạch phục hồi kinh tế trong năm 2021 khi hoạt động phân phối và tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 diễn ra thuận lợi.
Một nhà máy sản xuất ô tô tại Thái Lan
Một nhà máy sản xuất ô tô tại Thái Lan

Kinh nghiệm ứng phó bệnh truyền nhiễm

Dự báo từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) kỳ vọng tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ đạt 6,8% trong năm tới. Đây cũng là mức tăng trưởng khả quan so với các châu lục khác. South China Morning Post (SCMP) cho rằng, mức tăng trưởng trên hoàn toàn có thể đạt được khi hoạt động kiểm soát dịch tốt, sự hợp tác giữa các quốc gia và sự bùng nổ của công nghệ. Các nước Đông Á dẫn đầu về áp dụng công nghệ tiên tiến trong đại dịch. Các nước Nam Á lại đem tới những bài học kinh nghiệm trong quản lý dịch bệnh và thiên tai. Nhờ đó, châu Á hiện không chỉ là hình mẫu cho thương mại toàn cầu, vốn mà còn cả sáng tạo tri thức, văn hóa và số hóa. Châu Á sẽ đóng vai trò hàng đầu trong việc định hình giai đoạn tiếp theo của toàn cầu hóa. 

Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, nhiều nước phương Tây đã lúng túng trong việc có nên đeo khẩu trang và đóng cửa đất nước hay không. Ngược lại, người dân châu Á lại có tính kỷ luật cao, luôn chấp hành các chỉ dẫn của cấp chính phủ và chính quyền địa phương. Điều này đã giúp chính phủ các nước này đối phó với đại dịch một cách hiệu quả. Nêu dẫn chứng từ Việt Nam, SCMP cho biết, Việt Nam gây ấn tượng với các biện pháp ngăn chặn kịp thời, đúng đắn, kiểm soát chi phí hiệu quả. Điều đó đã cho thấy khả năng hành động nhanh chóng của các quốc gia châu Á. Một nguyên nhân khác là do châu Á đã có kinh nghiệm ứng phó với các loại bệnh truyền nhiễm trước đây. Có đến 70% ca bệnh truyền nhiễm trên thế giới là ở châu Á. Dựa trên đó, các nhà chức trách đã xây dựng chiến lược ứng phó Covid-19 hiệu quả.

ASEAN chuyển biến khả quan

Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản và hãng tin Nikkei Asia Review, có lẽ phải chờ đến năm 2022, nền kinh tế châu Á mới hồi phục hoàn toàn do các nước vẫn chưa hoàn toàn khống chế được dịch bệnh. Kinh tế của các nước ASEAN sẽ có những chuyển biến tích cực trong quý 1 và quý 2-2022, dù không chắc chắn và mạnh mẽ. 

Theo ông Alvin Ang, chuyên gia kinh tế của Đại học Ateneo de Manila (Philippines), để mức tăng trưởng năm 2021 như trước dịch là hơi khó, do việc triển khai vaccine rộng rãi sẽ mất nhiều thời gian, cũng như tính hiệu quả của vaccine có ảnh hưởng lớn đến tốc độ phục hồi kinh tế. Dự báo trong năm 2021, kinh tế ASEAN sẽ đạt mức 4,3%. Còn theo nhận định của ông Vincent Loo Yeong Hong, chuyên gia tại KAF Research, triển vọng phục hồi kinh tế ngoài việc phụ thuộc vào vaccine phòng Covid-19 còn phụ thuộc vào các biện pháp kích thích tiêu dùng. 

Nền kinh tế đứng đầu châu Á là Trung Quốc sẽ có mức tăng trưởng 8% trong năm 2021. Sự phục hồi vững chắc của Trung Quốc trong nửa cuối năm 2020 dự kiến đem lại kết quả GDP tăng trong năm nay, ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu giảm. Điều này tạo điều kiện cho các nền kinh tế ngoại vi ở châu Á như lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc tận dụng nhu cầu thương mại đang tăng lên của Trung Quốc. 

Trong khi đó, giới phân tích quan ngại về tốc độ phục hồi kinh tế của Ấn Độ. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Ấn Độ có thể sẽ giảm 10,3% trong năm tài khóa 2021, là mức lớn nhất trong số các nền kinh tế quy mô lớn mới nổi. Dù lạc quan hơn, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng đưa ra con số dự báo giảm 9,5%. Nhiều dự đoán cũng cho rằng, phải tới sau năm 2025, kinh tế Ấn Độ mới có thể phục hồi trở lại mức trước đại dịch.

Tin cùng chuyên mục