Phát biểu trong phiên điều trần về nguyên nhân gây ra những vụ cháy rừng của Ủy ban Hoàng gia Australia, người đứng đầu đơn vị giám sát khí hậu thuộc BoM Karl Braganza cho biết, kể từ thảm họa cháy rừng năm 2003, Australia đã phải đối mặt với những thảm họa cháy rừng nghiêm trọng với tần suất dường như có chiều hướng gia tăng. Nếu nhìn lại thế kỷ 19 và thế kỷ 20, các vụ cháy rừng lớn như trên không phải là sự kiện xảy ra thường xuyên như thế kỷ 21.
Bà Helen Cleugh thuộc Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) cho biết, biến đổi khí hậu đang tác động cũng làm trầm trọng thêm các hệ thống thời tiết theo cách thức chưa từng được ghi nhận trước đây. Điều này đồng nghĩa, hiểu được sự tương tác giữa dao động khí hậu và các yếu tố thúc đẩy cùng biến đổi khí hậu có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng, nâng cao năng lực ứng phó với những rủi ro và nguy cơ do thay đổi thời tiết trong tương lai.
Những vụ cháy rừng thảm khốc bùng phát hồi năm ngoái và kéo dài suốt nhiều tháng tại Australia đã khiến 33 người thiệt mạng, thiêu rụi khoảng 2.500 ngôi nhà cùng hơn 10 triệu ha rừng. Ngoài ra, 80% người dân Australia cũng bị ảnh hưởng bởi khói từ các đám cháy rừng kéo dài trong 6 bang trên khắp Australia. Thủ tướng Scott Morrison đã gọi giai đoạn trên là mùa hè đen tối. Tháng 2 vừa qua, ông đã thành lập Ủy ban Hoàng gia với nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao sự sẵn sàng của Australia trong việc ứng phó các thiên tai, cũng như cải thiện sự phối hợp trong việc giải quyết các thảm họa thiên nhiên.