Chạy từ trong bụng mẹ …đến chạy bỏ tổ quốc

Ngay từ đầu giờ sáng nay 9-6, đã có tới 80 vị ĐBQH đăng ký phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, những tháng đầu năm 2017.

Là đại biểu (ĐB) phát biểu đầu tiên, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) bày tỏ lo lắng về tính bền vững của cân đối ngân sách.

“Cơ chế thu thuế có lỗ hổng khi bỏ đi bản kê các khoản mua vào – bán ra trong hồ sơ quyết toán thuế. Cơ quan thuế không có thông tin đầy đủ để kiểm chứng và không thể yêu cầu doanh nghiệp giải trình, dẫn đến việc người nộp thuế có thể kê khai không đúng; thậm chí có đối tượng lập công ty ma để rút ruột thuế giá trị gia tăng”- ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ phản ánh.

Chạy từ trong bụng mẹ …đến chạy bỏ tổ quốc ảnh 1 ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) phát biểu
Bên cạnh đề nghị Bộ Tài chính thiết lập bản kê mua vào – bán ra, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng cần tăng cường áp dụng công nghệ ngân hàng, tăng tính công khai, minh bạch trong các giao dịch…

Về chi ngân sách, ĐB này bày tỏ quan ngại vì “bộ máy vẫn loay hoay thu xếp chi thường xuyên”. Thâm hụt ngân sách kéo dài với tỷ lệ ngày càng tăng, không chỉ vượt trần Chính phủ cam kết mà còn vượt cả trần được Quốc hội quy định.

Chia sẻ nỗi lo lắng này, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng, vừa qua số tăng thu chủ yếu là tăng thu từ đất (thu tiền sử dụng đất tăng 97,5% so dự toán - PV) và khai thác tài nguyên như dầu thô, khoáng sản chứ không phải từ các nguồn lực kinh tế khác của xã hội nên chưa bảo đảm bền vững, lâu dài.

 "Tập trung cho phát triển sản xuất, không nên quá chú trọng khai thác tài nguyên mà nên coi đó là của để dành cho con cháu”

ĐB Nguyễn Tuấn Anh đề nghị tập trung cho phát triển sản xuất, không nên quá chú trọng khai thác tài nguyên mà “nên coi đó là của để dành cho con cháu”. Ông phân tích: “Trong 12 tháng qua, số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục, nhưng số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng rất lớn: cứ 10 doanh nghiệp ra đời thì 9 doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động”.

Cũng theo ĐB Nguyễn Tuấn Anh, nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế, cần được tập trung phát triển, nhưng không phải là theo lối cũ, mà phải là nông nghiệp công nghệ cao. Muốn vậy, cần tạo điều kiện để người dân được tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Một gợi ý quan trọng mà ông Nguyễn Tuấn Anh nêu ra là cần có cơ chế xác lập quyền sở hữu tài sản đầu tư trên đất để người nông dân có thể thế chấp; có chính sách cho vay ưu đãi với thời hạn dài hơn, tăng cường đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao…

“Cần doanh nhân hóa nông dân, doanh nghiệp hóa nông nghiệp; có cơ chế phát triển ngành chế biến nông sản, có như vậy mới giải quyết căn cơ tình trạng “được mùa mất giá”.

Nhận định rằng sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn theo phương thức truyền thống nhỏ, lẻ, manh mún; nông sản tiêu thụ khó khăn, ĐB Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) đề nghị “cần doanh nhân hóa nông dân, doanh nghiệp hóa nông nghiệp; có cơ chế phát triển ngành chế biến nông sản, có như vậy mới giải quyết căn cơ tình trạng “được mùa mất giá”.

Bày tỏ quan tâm đến tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế xã hội, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) kiến nghị Nhà nước cần tập trung đầu tư các công trình giao thông, rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh trong vùng với nhau và với TPHCM; xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng để thu hẹp khoảng cách phát triển.

Ghi nhận những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, song ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng tỏ ra chưa yên tâm về tính ổn định, bền vững của nền kinh tế. Yêu cầu nhạy bén trong điều hành chính sách, chỉ đạo kịp thời, sát hợp với thực tiễn, nhất là khi có những dấu hiệu bất thường, mất cân đối… được ông Đặng Thuần Phong coi là thách thức lớn đặt ra cho cả Chính phủ và Quốc hội.

“Vai trò kiến tạo của các bộ, địa phương và lực lượng cán bộ công chức chưa đáp ứng kịp yêu cầu của Chính phủ, nợ công, nợ xấu đã báo động, giải ngân chậm, lãng phí trong đầu tư công, cân đối thu bất ổn, bội chi ngân sách… các thách thức này buộc Chính phủ phải quyết liệt hơn khi đề ra các nhóm giải pháp, chọn nội dung ưu tiên để thực hiện”, ĐB Đặng Thuần Phong nhấn mạnh.

Thẳng thắn cho biết mình vẫn còn “cảm giác bất an”, khi tình trạng tham nhũng vẫn còn nhiều, lãng phí quá lớn, chưa được chặn đứng, người dân sa sút lòng tin, ĐB Đặng Thuần Phong xót xa: “Tiền của dân chắt chiu gom góp trong mồ hôi, nước mắt, nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là hết sức đáng báo động”.

Cũng theo ông, tình trạng thương mại hóa các quan hệ xã hội khá phổ biến, làm ảnh hưởng đến tính công tâm của các cơ quan công quyền, làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách.

“Trong bụng mẹ là “chạy” sinh đẻ, học phổ thông các cấp và đại học cũng phải chạy trường, chạy lớp… Rồi chạy quy hoạch, chạy chức; vi phạm phạm luật thì chạy điều tra, truy tố, chạy án và thậm chí chạy bỏ tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết dẫn độ tội phạm để an thân”

“Trong bụng mẹ là “chạy” sinh đẻ, học phổ thông các cấp và đại học cũng phải chạy trường, chạy lớp… Rồi chạy quy hoạch, chạy chức; vi phạm phạm luật thì chạy điều tra, truy tố, chạy án và thậm chí chạy bỏ tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết dẫn độ tội phạm để an thân”, ĐB Đặng Thuần Phong quan ngại.

Theo chương trình nghị sự của kỳ họp, phiên thảo luận sẽ kéo dài đến 18 giờ 30 chiều nay, kéo dài thêm 1 tiếng đồng hồ so với giờ làm việc bình thường của Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục