Cháy xe - Đâu là thủ phạm?

Nhiều vụ cháy xe máy thời gian qua gây bất an với người tiêu dùng. Cơ quan chức năng cũng chưa lý giải được hiện tượng này. Nhà khoa học lý giải bằng nhiều ý kiến trái ngược nhau. Trong khi đó, nhiều xe bị cháy gần như còn trơ lại khung sắt khiến cho việc xác định nguyên nhân không hề dễ dàng. Dư luận đang chĩa “mũi dùi” vào thủ phạm xăng pha aceton, methanol… nhưng liệu đó có phải là thủ phạm?

Nhiều vụ cháy xe máy thời gian qua gây bất an với người tiêu dùng. Cơ quan chức năng cũng chưa lý giải được hiện tượng này. Nhà khoa học lý giải bằng nhiều ý kiến trái ngược nhau. Trong khi đó, nhiều xe bị cháy gần như còn trơ lại khung sắt khiến cho việc xác định nguyên nhân không hề dễ dàng. Dư luận đang chĩa “mũi dùi” vào thủ phạm xăng pha aceton, methanol… nhưng liệu đó có phải là thủ phạm?

  • Trên 60% các vụ cháy xe do chập điện

Theo Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TPHCM, sau khi điều tra các vụ ô tô, xe gắn máy bị cháy từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2012, sở đã có cơ sở để kết luận nguyên nhân của 24 vụ cháy (9 xe gắn máy và 15 ô tô). Trong đó đáng lưu tâm là có đến 12 trường hợp cháy do chập điện, 2 trường hợp cháy do tàn thuốc, 2 trường hợp khác do lỏng rắc bình ắc quy… và 3 trường hợp khác đang trong quá trình điều tra. Như vậy, tính riêng cháy xe do chập điện đã chiếm hơn 60%.

Riêng đối với vấn đề cháy xe do nhiên liệu, Sở Cảnh sát PCCC cho rằng vẫn có trường hợp cháy xe do rò rỉ nhiên liệu nhưng không nhiều, về lý thuyết khoa học, nếu xe cháy vì nhiên liệu thì ngọn lửa sẽ bùng lên chứ không “ngún khói” đen như nhiều trường hợp vừa qua. Và theo thống kê của sở trên địa bàn TP, trong 14 ô tô bị cháy có đến 11 chiếc chạy bằng động cơ diesel. Như vậy không chỉ có xe chạy bằng xăng mới bị cháy.

Cũng theo Sở Cảnh sát PCCC, có một chi tiết đáng chú ý, việc chập điện trên xe có thể do cách rửa xe sử dụng piston thủy lực nâng xe như hiện nay.

Một đại diện của Sở Cảnh sát PCCC cho biết theo thiết kế, hộp chia điện được đặt trong thân xe và thường trên bình ắc quy, từ hộp chia điện này sẽ có các rắc cắm nối đến các thiết bị sử dụng điện như đèn, còi… Các rắc cắm được nối với dây dẫn và bao bọc bởi ống cao su nằm xiên theo sườn xe. Quá trình rửa xe hiện nay, các tiệm rửa dùng piston thủy lực để nâng cao đầu xe. Khi đó, các ống cao su che rắc nối sẽ có phương thẳng đứng và nước rửa xe có thể thấm vào hộp chia điện. Nước rửa xe chứa nhiều chất tẩy rửa gây oxy hóa các điểm tiếp xúc, lâu dần dẫn đến chập điện và cháy các lớp cao su bao bọc. Điều này giải thích vì sao luôn có khói đen bốc lên trước rồi mới có ngọn lửa sau và thực tế nhiều vụ cháy trên địa bàn TP đã chứng minh điều đó.

  • Đừng bỏ sót phụ gia

Có một thực tế đáng lưu tâm, hiện các sản phẩm phụ gia, viên tiết kiệm xăng trôi nổi, không xuất xứ đang được lưu hành trên thị trường tự do. Đây là những sản phẩm chưa được kiểm định của bất kỳ cơ quan chức năng nào và cũng chưa được cấp phép sử dụng. Theo như quảng cáo của các đơn vị bán hàng, những sản phẩm này có thể tiết kiệm từ 25%-30% nhiên liệu.

Điển hình như viên tiết kiệm xăng P&W được quảng cáo chiết xuất từ cây long não, cây trắc bá và các loại thực vật khác cùng chất tăng công suất, chất nhũ hóa, tiết kiệm 15%-30% nhiên liệu, tăng công suất động cơ lên 12%, tăng tuổi thọ piston, giảm tiếng ồn động cơ, giảm cặn bã, giảm khí thải lên đến 40%.

Hay hoạt chất nâng cao nhiên liệu Nano Fuel Booster (XXL) được cho là chiết xuất từ dầu cọ tinh chất giúp tiết kiệm nhiên liệu khoảng 20%, làm tăng tuổi thọ động cơ do tính bôi trơn làm giảm ma sát buồng đốt trên và giảm nhiệt độ hoạt động…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhìn nhận, ẩn họa từ những phụ gia này đối với hệ thống máy rất lớn. Gần 1 tháng qua, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Lọc hóa dầu (Đại học Bách khoa TPHCM) phân tích các thành phần có chứa trong các chất phụ gia này và việc tác động của nó đến hệ thống máy.

Dù kết quả đang được giám định nhưng bước đầu, TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm Lọc hóa dầu, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Về cơ bản, muốn tăng hiệu suất cháy trong máy, thì máy phải sạch, piston sau khi cháy cũng phải sạch. Như vậy, các chất phụ gia đóng vai trò là chất tẩy rửa sạch sẽ các mụi than hình thành sau khi cháy. Và phần lớn các phụ gia sử dụng hóa chất hoặc phân tử nano cho công việc tẩy rửa này. Nhưng ngược lại, khi sử dụng hai thành phần trên, động cơ sẽ nhanh bị ăn mòn, dẫn đến hỏng hóc các chi tiết máy. Chưa kể phụ gia chứa nhiều thành phần phức tạp, có thể dẫn đến biến đổi vật lý các ống dẫn bằng cao su, gây rò rỉ nhiên liệu”.

TS Huỳnh Quyền cũng cảnh báo rằng dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng bản thân các chất chưa qua kiểm định và cấp phép thì không nên sử dụng. 

TƯỜNG HÂN 

Một chiếc taxi bốc cháy trong đêm

* Đồng Nai: 6 vụ cháy xe đều do sự cố điện 

Khoảng 4 giờ ngày 21-2, tại nhà ông Trần Quang Tú (xóm 9, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã xảy ra một vụ cháy xe taxi chưa rõ nguyên nhân. Do đám cháy xảy ra nhanh, trong lúc mọi người đang ngủ nên chiếc taxi 37S-8803 đã bị thiêu rụi. Theo ông Tú ngày hôm trước anh có đổ 30 lít xăng rồi về nhà đậu xe trong sân, nhưng đến sáng thì xảy ra sự cố.

Ngày 20-2, đại tá Võ Văn Sáng, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai cho biết đã xác định được nguyên nhân các vụ cháy xe máy và ô tô trên địa bàn Đồng Nai trong vòng hơn 2 tháng qua. Theo đó, 6 vụ cháy xe, 5 vụ cháy trong năm 2012 và 1 vụ cháy năm 2011 do sự cố điện gây ra, không có sự cố cháy do xăng dầu. Cụ thể, vụ cháy ô tô vào ngày 17-12-2011 do chập điện tại cabin xe; vụ cháy ô tô 16 chỗ ngồi biển số 49X-8694 xảy ra ngày 6-1 do chập điện tại bình ắc quy xe; vụ cháy ô tô giường nằm 35 chỗ ngồi biển số 43B-00155 ngày 13-2 và mới đây nhất vụ cháy xe máy biển số 60K4-9051 ngày 18-2 đều do chập điện...

D.CƯỜNG - TH.NGUYỄN

- Thông tin liên quan:

>> Xăng sinh học E5 - Có phải nguyên nhân gây cháy xe?

>> Ô tô bốc cháy khi đang lưu thông

Tin cùng chuyên mục