Chen chúc đường phố những ngày giáp tết

Giao thông trên nhiều trục đường chính dẫn vào sân bay, ga xe lửa, các bến xe liên tỉnh, khu vực trung tâm TPHCM suốt ngày 16-1 (tức 22 tháng Chạp Kỷ Hợi) luôn trong tình trạng quá tải, phương tiện giao thông chen chúc nối đuôi nhau kéo dài.

Nhích từng tí một

Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, tại khu vực xung quanh Bến xe miền Đông 2 ngày gần đây cho thấy, giao thông không chỉ quá tải mà còn rất lộn xộn. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh có 3 làn xe thì ô tô lưu thông hết cả… 3 làn, buộc xe máy phải len lỏi tìm những khoảng trống còn lại. Trong khi đó, vỉa hè bị người dân hai bên đường lấn chiếm trưng bày hàng hóa bán tết, khiến người đi bộ không còn lối đi. Chật vật mới thoát được đoạn đường dài chưa đầy 1km này (mất hơn 40 phút), chúng tôi gặp ngay điểm nghẽn do dòng xe khách ra vào Bến xe miền Đông ùn ứ kéo dài từ cổng bến xe đến gần ngã tư Bình Phước. Chiều ngược lại, dòng xe máy, ô tô từ đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) cũng ùn ứ kéo dài đến đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh). Chị Nguyễn Thị Thu Thảo, ngụ quận Thủ Đức, cho biết chị làm việc ở quận Tân Bình, ngày thường đi làm qua đoạn đường này khá suôn sẻ, nhưng đến dịp lễ, tết thì rất mệt do ùn tắc giao thông.

Tại khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, ùn ứ xảy ra từ sáng sớm đến chiều tối trên nhiều tuyến đường xung quanh sân bay. Trong đó, đường Cộng Hòa ùn tắc nghiêm trọng nhất. Gần vòng xoay Lăng Cha Cả, hàng ngàn phương tiện trên đường Trường Sơn xếp hàng dài từ cổng sân bay Tân Sơn Nhất tới công viên Hoàng Văn Thụ. Trong khi đó, tại nhiều giao lộ với đường Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Phổ Quang... các phương tiện di chuyển cũng rất chậm, nhiều lúc xảy ra ùn ứ cục bộ. Ở hướng ngược lại, trên đường Trường Sơn, kẹt xe cũng xảy ra tại đoạn qua công viên Hoàng Văn Thụ để vào sân bay. Dù có nhiều chiến sĩ CSGT nỗ lực điều tiết nhưng tình hình đi lại vẫn rất khó khăn.

Kẹt xe trên hàng loạt tuyến đường quanh khu vực sân bay đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều tuyến đường khác như Bạch Đằng, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt... Hàng ngàn phương tiện giao thông di chuyển khó khăn; trong khi thêm nhiều xe gắn máy, xe ba bánh chở hàng cồng kềnh lưu thông bất chấp luật lệ, rất dễ gây tai nạn cho những người cùng đi đường. Tình trạng ùn ứ còn diễn ra tại nhiều tuyến đường khu vực trung tâm như đường Điện Biên Phủ, Lý Chính Thắng, Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Văn Cừ… Đặc biệt, tại các vòng xoay Công trường Dân Chủ, Phù Đổng, Ngã bảy, Ngã sáu Nguyễn Văn Cừ… tình trạng ùn tắc cũng khá nghiêm trọng, nhất là vào giờ cao điểm sáng và chiều. Hàng ngàn xe phương tiện nhích từng chút một, có ô tô bị kẹt gần 15 phút mới ra được khỏi vòng xoay.

Ở quận 2, từ 7 - 9 giờ và từ 16 giờ 30 trở đi, tại giao lộ Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định, dòng xe tải, xe container xếp hàng nối đuôi nhau di chuyển chậm chạp về hướng cảng Cát Lái. Trên đường Đồng Văn Cống, nhiều xe tải chôn chân tại chỗ. CSGT phải điều tiết cho các xe chạy về hướng hầm Thủ Thiêm để giảm bớt áp lực tại giao lộ này.

Nhiều nỗ lực… giải cứu

Ngày 16-1, Thanh tra giao thông (TTGT) Sở GTVT TPHCM phối hợp với Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TPHCM kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, đặc biệt việc chấp hành các quy định về quản lý giá tại Bến xe miền Tây. Đoàn liên ngành đã đo nồng độ cồn đối với các tài xế trước khi xuất bến và đã phát hiện một vài trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, TTGT cũng phát hiện nhiều xe khách vi phạm quy định về điều kiện an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật như tăng thêm giường, thiếu búa thoát hiểm, dây đai an toàn...

Cùng với đó, lực lượng TTGT cũng bố trí thanh tra viên đứng chốt tại nơi thường xuyên đón khách sai quy định như khu vực đường Kinh Dương Vương (gần Bến xe miền Tây); các tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, quốc lộ 13 - quận Bình Thạnh (gần Bến xe miền Đông); các tuyến quốc lộ 22, quốc lộ 1 (gần Bến xe An Sương, Bến xe Ngã tư Ga); khu vực đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh (đoạn từ cầu vượt Hàng Xanh đến cầu Sài Gòn); khu vực đường Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Phó Đức Chính, Võ Văn Kiệt; Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Duy Dương, Trần Bình Trọng, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Chí Thanh, Hùng Vương, Hồng Bàng...

Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm lượng phương tiện lưu thông tăng đột biến khiến tình hình giao thông rất phức tạp. Vì vậy, dù có nhiều nỗ lực giải quyết vấn đề của ngành chức năng nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Để hạn chế ùn ứ, Sở GTVT TPHCM khuyến cáo người tham gia lưu thông nên cập nhật, nắm thông tin tình hình giao thông thực tế trước khi ra đường. Thanh tra GTVT cũng phối hợp cùng CSGT, lực lượng TNXP giải quyết ùn tắc ở các khu vực trọng điểm, nhất là nhà ga, bến xe... và túc trực tại khu vực cửa ngõ Đông - Tây; hai tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và TPHCM - Trung Lương là hai điểm nóng hay ùn tắc trong các dịp lễ, tết để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.

Vỉa hè cũng “ngộp thở”

Chen chúc đường phố những ngày giáp tết ảnh 1

Không chỉ trên các tuyến đường mà vỉa hè nhiều nơi cũng quá tải vì bị chiếm dụng làm nơi buôn bán. Đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) (ảnh) bị lấn chiếm kéo dài từ đoạn giao với đường Châu Văn Liêm đến chợ Kim Biên. Vỉa hè ở đây rộng hơn 2m nhưng các cửa hàng đã “nuốt trọn” để hàng hóa, thậm chí lòng đường cũng bị chiếm dụng để trưng bày mai, hoa kiểng giả. Nhiều nhân viên cửa hàng còn liều mạng, đặt ghế ngồi ngay giữa đường để “vẫy” chào, đón khách. Do không còn vỉa hè, nhiều người đón xe buýt cũng buộc phải đứng ra giữa đường đợi xe. Các cửa hàng ở đây hoạt động rất nhộn nhịp, rôm rả nhưng không thấy lực lượng chức năng xử lý?

Ghi nhận trên đường Âu Cơ (khu vực quận 11, Tân Bình), các cửa hàng lấn chiếm vỉa hè mỗi kiểu khác nhau. Vỉa hè đường Âu Cơ, bên phía quận Tân Bình, rất nhỏ chỉ khoảng 1m nhưng bị các cửa hàng bán heo quay, vịt quay lấn chiếm để trưng tủ. Còn vỉa hè bên phía quận 11 rộng hơn nhưng bị các cửa hàng dán keo xe “trưng dụng”.

Trên đường Nguyễn Trãi (quận 1, quận 5), nhiều cửa hàng bán quần áo cũng lấn ra vỉa hè để bày hàng hóa, nhân viên xuống lòng đường để chèo kéo khách. Trong những ngày cuối năm, nhiều ngân hàng cũng trong tình trạng quá tải giao dịch nên xe của khách thường đậu chiếm hết vỉa hè. Trên đường Thành Thái (quận 10), vỉa hè được cho thuê để bán hoa kiểng nên nhiều ô tô đến mua, đậu thành hàng dài lấn gần hết đường.

Tin cùng chuyên mục