
Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa X, có ý kiến cho rằng nên thực hiện miễn viện phí cho trẻ dưới 6 tuổi theo phương thức mua thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên phương án này đã không được nhiều đại biểu “mặn mà” vì BHYT còn quá nhiều bất cập. Bảo hiểm xã hội (BHXH) phải giải quyết những bất cập đó như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Kiến Thiết - Trưởng ban Bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc BHXH Việt Nam.
°PHÓNG VIÊN: Thưa ông, người tham gia BHYT thường bị phân biệt đối xử do phương thức chi trả – có danh mục viện phí riêng cho người tham gia BHYT – và bệnh viện luôn bị khống chế trần thanh toán?
°Ông Hoàng Kiến Thiết: Thực chất

Ông Hoàng Kiến Thiết
trong bệnh viện chỉ có 1 giá. Đấy là giá được qui định theo Thông tư Liên bộ số 14 và đồng thời theo bảng giá do Chủ tịch UBNDTP trực thuộc TƯ quyết định. Còn khung trần thanh toán do các cơ quan BH cùng bệnh viện xác định một đợt chi phí bình quân để làm cơ sở cho việc thanh toán. Nếu cuối năm quyết toán vượt trần, chúng tôi vẫn thanh toán lại cho bệnh viện.
°Nhưng khi thanh toán với bệnh viện, BHXH vẫn còn “hiện tượng” khống chế theo kiểu “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”?
°Đến thời điểm này, không nước nào trên thế giới dám sử dụng phương thức thanh toán mà không có sự khống chế nào cả. Bởi lẽ, người chữa bệnh mà không bỏ tiền ra thì luôn muốn nhận được tất cả, dù những mong muốn đó có khi vượt quá nhu cầu về điều trị. Còn BV cũng luôn muốn kê những loại thuốc tốt nhất, vì được trích thưởng 30% viện phí.
Chính vì vậy phải có những khống chế. Điều chúng ta cần quan tâm hiện nay là phải tìm một phương thức thanh toán nào đó, để tránh trường hợp hoặc bên này hoặc bên kia không thỏa mãn, dẫn đến những thiệt thòi cho người tham gia BHXH.
Hiện chúng tôi đang thực hiện thí điểm phương thức khoán định suất tại một huyện của TP Hải Phòng. Nếu kết quả khả quan, vừa đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BH, vừa bảo đảm tính chủ động của bệnh viện, vừa cân đối được quỹ bảo hiểm… thì chúng tôi sẽ đề nghị các cấp thẩm quyền áp dụng phương thức này trên cả nước.
°Dù ở góc độ nào, người bệnh cũng phải chờ chực nên họ ngại đi khám với thẻ BHYT?
°Chúng tôi phải tích cực tham gia cùng với các bộ liên quan để giải quyết các vướng mắc liên quan giữa các khu vực KCB, đồng thời cùng với các cơ quan quản lý nhà nước tính toán làm sao với mức thu hiện tại thì phục vụ tốt nhất cho người có thẻ. Chúng ta không nên nói quá nhiều đến việc phải chờ đợi của người có thẻ BHYT, bởi ngay cả đối với phòng khám tư nhân hiện nay thì người bệnh cũng đang phải chờ. Khi hệ thống KCB còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu KCB người dân thì việc chờ đợi chắc chắn vẫn còn.
Tuy nhiên, BHXH phải tiếp tục xem xét lại tất cả những quy trình tiếp nhận KCB và các thủ tục thanh toán để làm sao giản tiện những thủ tục để giúp cho người bệnh, người có thẻ BHYT gắn bó và tham gia chương trình này.
°Đúng là thủ tục hành chính BHYT vẫn còn quá nhiêu khê…
°Chúng tôi được biết, một số các tỉnh, thành phố do lo sợ việc lạm dụng nên đã tự ý đặt ra một số qui định gây phiền hà cho người bệnh. Ví dụ như đòi hỏi người tái khám phải xuất trình thêm những giấy giới thiệu từ tuyến dưới hoặc giấy giới thiệu từ cơ quan đơn vị, hoặc bắt người bệnh phải phô-tô thẻ BHYT….
Chúng tôi cũng đang có biện pháp chấn chỉnh, ngoài ra đang nỗ lực đưa công nghệ thông tin vào phục vụ việc đăng ký, tiếp nhận và thanh toán tại các BV. Chương trình này hiện nay đang được chạy thử, nếu như không có gì thay đổi thì vào quý 2 năm 2005 sẽ được triển khai mở rộng đến các cơ sở KCB.
°Phải chăng vấn đề cốt lõi là cần có một cơ chế nào đó để đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT?
°Hiện nay, rõ ràng chúng ta đang thực hiện thu một phần viện phí và như vậy quỹ BHYT chỉ chi trả một phần viện phí theo qui định. Trong khi đó, một phần khác từ ngân sách nhà nước đang được trích thẳng vào BV nhưng các BV lại tận thu thêm nhiều khoản đã có từ bao cấp.
Tôi cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu để làm sao chuyển phần bao cấp thông qua hệ thống KCB đến phần bao cấp bằng tiền cho người dân để người dân có thể đóng thêm tiền mua thẻ BHYT. Khi quỹ BHYT đã trả toàn phần viện phí cho BV (trả cả phần lương của người thầy thuốc) thì tôi tin rằng chất lượng KCB, tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân sẽ tốt hơn.
Bởi vì nếu như anh không phục vụ tốt bệnh nhân, họ sẽ không đến BV của anh nữa và như thế thì “nồi cơm” của anh bị ảnh hưởng. Tôi được biết đã có những đề án đề nghị chuyển phần ngân sách nhà nước đang bao cấp cho BV sang cho người dân. Người dân sẽ bỏ thêm tiền để mua BHXH và khi đó BHXH sẽ thanh toán cho BV toàn phần viện phí bao gồm tiền lương, tiền khấu hao thiết bị.
HỒNG LAM thực hiện