Thời gian qua, dân số TPHCM, một đô thị trung tâm đa chức năng và là TP lớn nhất nước, không ngừng gia tăng với tốc độ ngày càng cao. Trong đó không chỉ tăng dân số tự nhiên mà còn (và chủ yếu) do gia tăng dân số cơ học. Dân số tăng tất yếu kéo theo sự gia tăng phương tiện giao thông. Từ đó dẫn đến nhu cầu cần phải phát triển một cách tương ứng giao thông đô thị nếu muốn đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn.
Mặc dù những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP thực tế vẫn chưa theo kịp, chưa đáp ứng được sự phát triển và nhu cầu giao thông vận tải của người dân. Cho đến nay, “vốn liếng” hạ tầng giao thông đô thị của TP chỉ gồm tổng cộng 3.897 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 3.534km, trong đó các tuyến đường có bề rộng nhỏ hơn 7m chiếm tỉ lệ 69,3%; có trên 4.306 nút giao thông, đa phần và chủ yếu là giao thông đồng mức, chỉ có 16 giao lộ giao cắt khác mức.
Mật độ đường dành cho lưu thông trên địa bàn hiện chỉ đạt 1,9km/km² còn quỹ đất giao thông chỉ là 4,8%, quá thấp so với tiêu chuẩn 22-24%! Trong khi đó số lượng phương tiện đường bộ đăng ký quản lý tại TP hiện đã lên đến 4,9 triệu xe các loại, trong đó có hơn 500.000 chiếc ô tô. Đã vậy trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 xe mô tô, gắn máy và 100 ô tô được đăng ký mới. Thực tế cho thấy các tuyến đường-công trình hạ tầng mới xây dựng thêm không phải lúc nào cũng đủ sức giải tỏa những áp lực về số người và số phương tiện tham gia giao thông.
Theo nhận định của Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) đường bộ-đường sắt Công an TPHCM, có những vi phạm của người tham gia lưu thông xuất phát từ sự quản lý của Nhà nước và hạ tầng giao thông trên địa bàn. Chẳng hạn như việc phân luồng giao thông vẫn chưa thực sự hợp lý tại một số nơi; hoặc thiếu hệ thống tín hiệu, biển báo; đường xấu, ngập nước…
Chính bởi tình trạng lô cốt mọc tràn lan như thời gian qua cộng với cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng được nhu cầu, đã dẫn đến người dân khi tham gia lưu thông, ai cũng muốn nhanh chóng thoát ra khỏi khu vực phức tạp nên chen lấn, không nhường đường, chạy xe lên lề… tức là khó tránh khỏi việc vi phạm Luật Giao thông. Nói cách khác, những hành vi “phản cảm” nêu trên thực chất là một kiểu “nhắm mắt bưng tai” của người tham gia giao thông trước nguy cơ xảy ra tai nạn cho bản thân và cho người khác, từ chính những hành vi không đúng Luật Giao thông ấy!
TRUNG KHANH