Trong số cư dân, lao động trở về thành phố, kể cả số kiểm soát được lẫn không thể kiểm soát, có nhiều người chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine. Cũng tại các khu vực này, hiện tượng nhóm buôn bán lẻ, nhóm chợ, chợ tự phát quay lại hoạt động, chính quyền địa phương lơ là, không kiểm soát đám đông tụ tập, dịch bệnh ngay lập tức tái phát.
Tuy vậy, TPHCM hiện giờ đang ở một tâm thế khác, với độ phủ vaccine gần như đã 99% mũi 1 và hơn 82% mũi 2. Để đánh giá chính xác hơn sự nghiêm trọng của dịch, cần nhìn vào số ca nặng và số ca tử vong. Biểu đồ số ca nặng trong một tuần vừa qua cho thấy, đúng là đang có dấu hiệu tăng nhẹ. Để tiếp tục tự tin giữ độ mở cửa đang có và thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội, khả năng “kiểm soát” nằm ở khâu then chốt. Năng lực kiểm soát phải đi từ đơn vị cơ sở là phường xã, đến các quận huyện và TP Thủ Đức.
Theo kinh nghiệm 5 tháng vừa qua, dịch bệnh có nguy cơ tái phát nhưng ở phạm vi xã, huyện, càng xuống sâu, đi vào tận từng hộ gia đình, nhóm cộng đồng dân cư nhỏ càng nhận thấy bà con ít nhiều vẫn còn chủ quan, cán bộ chưa sâu sát. Nhất là ở địa phận giáp ranh nội - ngoại tỉnh thành, quận huyện luôn chực chờ những kẽ hở hiểm họa. “Lá chắn” vaccine, dù đã đạt độ phủ rất cao ở cả hai mũi, cũng không phải là sự bảo vệ tuyệt đối. Do đó, một lần nữa, ở lĩnh vực hoạt động y tế - dịch tễ, các trạm y tế lưu động đã được tái kích hoạt, TPHCM cũng đã giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) thiết lập các đội phản ứng nhanh để có mặt kịp thời ở những điểm nguy cơ, nguy cơ cao, phối hợp, hỗ trợ các trạm y tế cơ sở quản lý, kiểm soát, xử lý diễn biến dịch bệnh.
Ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, việc kiểm soát rủi ro tùy thuộc vào khả năng phối hợp giữa 3 bên: Nhà nước (ban quản lý khu và chính quyền địa phương), doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, việc làm rõ vai trò và phạm vi trách nhiệm các bên sẽ đảm bảo tính linh hoạt, hiệu quả và nhất quán trong việc triển khai. Tại các khu vực sản xuất này, các doanh nghiệp đang tự bảo vệ mình bằng cách đẩy mạnh xét nghiệm giám sát: hình thành khu cách ly tập trung riêng để tăng tính kiểm soát, chăm sóc; và ứng dụng công nghệ (nhất là công nghệ thông tin) trong việc quản lý dữ liệu người lao động tại cơ sở. Hơn ai hết, trong giai đoạn “thích ứng an toàn” mới này, mỗi doanh nghiệp, nhà sản xuất đều tự trang bị một nhận thức nhất quán “nước xa không thể cứu được lửa gần”. Nhưng nếu biết tạo ra các “đường dẫn” liên kết, hỗ trợ, “nước xa” vẫn có cách về tới tận mỗi nhà để kịp “cứu lửa gần”, dập dịch.
Ở lĩnh vực quản trị xã hội, toàn hệ thống chính trị phải kích hoạt mạnh mẽ tính năng kiểm tra, rà soát, giám sát để tập trung kiểm soát mọi rủi ro có thể xảy ra. Trước hết, cần kiểm soát chặt chẽ người lao động, dân cư quay trở lại TPHCM, nhất là những người trở về từ vùng có dịch, những người chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine. Sau khi rà soát, sẽ tập hợp danh sách để tiêm đủ 2 mũi cho đối tượng này. Kiểm soát kỹ các chợ, khu buôn bán tập trung tự phát, không cho phép hoạt động mà không đảm bảo các tiêu chí an toàn. Kiểm soát việc tổ chức các trạm y tế cơ sở đến cấp nhỏ nhất: phường xã, tổ dân phố. Cần chú ý là các trạm y tế phải có đầy đủ túi thuốc, nhân lực để hỗ trợ người mắc Covid-19 tại cơ sở. Kiểm soát cách thức tương tác, trao đổi thông tin giữa người dân và chính quyền, lực lượng chức năng y tế; giữa các cấp chính quyền với nhau.
Chỉ khi những dự báo đã được đón đầu, cảnh báo đã được dự phòng bằng các biện pháp ứng phó, kiểm soát cụ thể, khoa học, sát với thực tế thì những cánh cửa mới có thể được duy trì và tiếp tục mở. Hơn lúc nào hết, kiểm soát rủi ro trên từng lĩnh vực, trong từng khu vực, địa bàn, đối tượng là chìa khóa để vừa duy trì sự “sống chung” an toàn vừa đảm bảo vận hành bộ máy xã hội tái hoạt động phục hồi, hàn gắn và phát triển.