Chiến dịch “phủ sóng” vaccine ngừa Covid-19

Tại Diễn đàn hòa bình Paris lần thứ 3 (từ 11 đến 13-11) bàn về những thách thức của thế giới hậu Covid-19, vấn đề quản trị trật tự thế giới hậu Covid-19 và sự chuyển đổi cơ bản của hệ thống đa phương trong khủng hoảng được đặc biệt nhấn mạnh. Việc tập đoàn dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ và công ty BioNTech của Đức thông báo có thể có vaccine ngừa Covid-19 vào cuối năm nay càng khiến việc tìm kiếm giải pháp để vaccine tiếp cận rộng rãi và bình đẳng trở nên cấp thiết hơn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các chiến dịch “phủ sóng vaccine” quy mô lớn không phải là điều lạ lẫm vì hoạt động này đã được triển khai trong các cuộc chiến chống dịch bệnh truyền nhiễm như sởi và cúm mùa. Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 70% dân số thế giới cần phải tiêm ngừa để chấm dứt đại dịch này, riêng châu Á có 4,6 tỷ người - tương đương 3/5 dân số thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia về chuỗi cung ứng y tế toàn cầu cảnh báo việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 có nguy cơ diễn ra không công bằng và các quốc gia kém phát triển có ít cơ hội tiếp nhận những liều vaccine đầu tiên vì giá thành đắt đỏ. Theo Trung tâm Đổi mới Y tế toàn cầu của Đại học Duke (Mỹ), các nước phát triển đã đặt mua 3,8 tỷ liều từ những “ứng cử viên” dược triển vọng nhất và đang đàm phán để mua thêm 5 tỷ liều nữa. Tiến sĩ Krishna Udayakumar của Đại học Duke cho rằng, do không phải tất cả vaccine đều hoạt động hiệu quả nên các quốc gia giàu có đã phòng ngừa rủi ro bằng cách đặt mua nhiều hơn một loại vaccine. 

Dĩ nhiên, quốc gia nào cũng đang hành động vì lợi ích của họ. Điều này dẫn đến sẽ có rất nhiều loại vaccine âm thầm rời khỏi thị trường và chỉ dành cho các nước thu nhập cao. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đương nhiên ít có tiềm năng để với tới. Thật không may khi hàng tỷ người ở các nước thu nhập thấp và trung bình có thể không được tiêm chủng vaccine Covid-19 cho đến năm 2023 hoặc thậm chí 2024. 

Dẫu cho 150 quốc gia đã ký kết tham gia vào Sáng kiến vaccine toàn cầu do WHO khởi xướng (COVAX) nhằm đảm bảo quyền tiếp cận 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021, nhưng theo Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Toàn cầu Amanda Glassman, COVAX sẽ không mua các loại vaccine có thể quá đắt hoặc không phù hợp cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ví dụ, vaccine có yêu cầu tủ đông đặc biệt để bảo quản (như loại vừa công bố của Pfizer và BioNTech đòi hỏi phải bảo quản ở nhiệt độ -80oC) hoặc phải tiêm nhiều liều mới hiệu quả. Các tủ lạnh chuyên biệt bảo quản ở nhiệt độ -80oC có chi phí cao gấp 5 lần so với tủ lạnh thông thường và thường chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng. Thậm chí, nhiều quốc gia giàu có cũng đang xoay xở với yêu cầu này. Điều này sẽ cản trở khả năng vaccine tiếp cận các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nông thôn hoặc các quốc gia kém phát triển vốn có thể không có tiền trang bị các tủ bảo quản siêu lạnh. Trong lúc chờ đợi vaccine, trước mắt một số quốc gia tuyên bố sẽ tiếp tục trung thành với các biện pháp phòng ngừa như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang cho đến mùa hè năm 2021.

Tin cùng chuyên mục