Nhiều dự án bứt phá
Nhìn nhận về chuỗi thời gian duy trì và thực hiện chiến dịch, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Lý Việt Trung chia sẻ, chất lượng môi trường sẽ thay đổi khi thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi. Và thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi khi có nhận diện rõ hơn về sản phẩm xanh cũng như ý nghĩa việc xây dựng thói quen tiêu dùng xanh trong bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình. Do vậy, xuyên suốt trong hơn 10 năm qua, dù hình thức triển khai dự án môi trường có nhiều thay đổi nhưng tầm nhìn và giá trị cốt lõi của chương trình vẫn được duy trì. Đó là tăng cường nhận diện của cộng đồng đối với sản phẩm xanh. Đồng thời phát huy vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng, sản xuất có hại cho môi trường.
Với chiến dịch Tiêu dùng xanh năm 2020, nhiều dự án mới có tính bứt phá đã được ban tổ chức mạnh dạn đưa vào triển khai. Trước tiên phải kể đến dự án Quỹ Cộng đồng xanh - dự án trọng điểm với 3 mục tiêu là “Triệu lít nước ngọt”, “Trường học xanh” và “Mầm xanh - hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh ung thư”. Đây là dự án dài hơi, riêng trong năm nay sẽ tập trung cho mục tiêu “Triệu lít nước ngọt”. Theo đó, với mỗi bài chia sẻ giải pháp sống xanh hoặc mua sản phẩm xanh tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.opfood… kèm hashtag chương trình đăng trên trang facebook cá nhân mỗi người đã đóng góp tương đương 10 lít nước ngọt trong mục tiêu “Triệu lít nước ngọt” cho người dân vùng ĐBSCL.
Cùng tương tác nhằm gia tăng sự tham gia, đóng góp từ phía cộng đồng cho Quỹ cộng đồng xanh, nhiều dự án khác như Thách thức sống xanh, Vũ điệu hành động xanh, Thương hiệu xanh và Tiếp sức người tiêu dùng xanh… cũng được triển khai đồng bộ trên cả nước và rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới. Cụ thể, với dự án Thương hiệu xanh - dự án hỗ trợ phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp xanh và sản phẩm xanh, sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, Ban tổ chức sẽ chọn các siêu thị Co.opmart rải đều trong cả nước để thiết lập mạng lưới 50 điểm đến xanh. Tại mỗi điểm đến, Ban tổ chức sẽ bố trí lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ người tiêu dùng nhận diện và ưu tiên tiêu dùng sản phẩm xanh. Hành động này được khuyến khích chụp hình và chia sẻ lên trang facebook cá nhân kèm theo nội dung gây quỹ Cộng đồng xanh.
Riêng với dự án Thử thách sống xanh, các tình nguyện viên trên cả nước và thế giới sẽ được hỗ trợ để thay đổi sang cách tiếp cận thông tin cũng như chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Mỗi bài đăng trên trang facebook cá nhân có nội dung hình ảnh là một hành động sống xanh bất kỳ, kèm theo nội dùng kêu gọi gây quỹ cùng hashtag của chiến dịch, sẽ tương ứng 10 lít nước quyên góp vào quỹ “Triệu lít nước ngọt”. Đây là hình thức lan tỏa, kết nối dễ nhất mà bất cứ ai - chỉ cần có mạng xã hội và sự quan tâm đến môi trường sống, đến cộng đồng và đặc biệt là tình hình hạn mặn nghiêm trọng tại khu vực ĐBSCL - đều có thể tham gia chung tay hỗ trợ cùng chiến dịch. Một hoạt động khác được chuyển hóa từ hình thức “offline” sang “online” nhưng bước đầu đã nhận được sự ủng hộ tham gia nhiệt tình từ hơn 80.000 tình nguyện viên là dự án Vũ điệu hành động xanh. Ở hình thức online, các tình nguyện viên trên cả nước, không giới hạn số lượng, sẽ cùng thực hiện chung một điệu nhảy sống xanh để ghép lại thành clip hoàn thiện theo mô hình tình nguyện viên online.
Tiêu dùng có lợi cho môi trường
Điểm quan trọng khác của chiến dịch Tiêu dùng xanh lần này là nằm ở dự án Tiếp sức cùng người tiêu dùng xanh thực hiện liên tiếp trong 3 tuần bắt đầu từ ngày 6-6. Ông Nguyễn Vũ Toàn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op chia sẻ, Co.opmart tiếp tục duy trì phương thức thay đổi hệ thống nhận diện sản phẩm tại hệ thống các siêu thị. Với sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, có trách nhiệm với môi trường sống sẽ được nhận diện bằng biểu tượng khác biệt giúp người tiêu dùng dễ nhận biết khi tham gia mua sắm tại siêu thị. Đồng thời, để khuyến khích cộng đồng ưu tiên tiêu dùng sản phẩm của các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng và tham gia vào chiến dịch, hệ thống siêu thị Co.opmat sẽ kết hợp các chính sách cụ thể như vận động không sử dụng túi ni lông thay bằng túi tự hủy và túi sử dụng nhiều lần; xây dựng chính sách và chương trình nhằm hỗ trợ, kích cầu người tiêu dùng thực hiện tiêu dùng xanh thông qua hình thức khuyến mãi đa dạng...
Về phía doanh nghiệp, Ban tổ chức phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, Công ty TNHH Procter & Gamble Việt Nam (P&G), Công ty Cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam và Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam tham gia chương trình tập trung giảm giá trực tiếp nhằm giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội tiếp cận và sử dụng sản phẩm xanh. Ngoài ra, những sản phẩm xanh cũng được hệ thống siêu thị của Saigon Co.op hỗ trợ vị trí trưng bày, trang trí, quảng bá, tăng nhận diện từ phía cộng đồng.
Có thể nói, tại Việt Nam, xu hướng tiêu dùng xanh bắt đầu phát triển mạnh trong những năm gần đây. Dễ nhận thấy nhất là người tiêu dùng đã và đang tăng cường tìm đến tiêu thụ những sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên, sản phẩm đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là những động thái tích cực dự báo cho phong trào tiêu dùng xanh sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Lý Việt Trung nhấn mạnh, chiến dịch Tiêu dùng xanh chính thức triển khai từ năm 2010. Đây được xem là chiến dịch đầu tiên và có quy mô lớn nhất trên cả nước hướng đến việc vận động cộng đồng thiết lập thói quen tiêu dùng mới trong xã hội - tiêu dùng có lợi cho môi trường. Việc tổ chức đồng bộ giải pháp tuyên truyền, tăng cường nhận diện sản phẩm xanh, kết hợp giải pháp kinh tế hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc ưu tiên tiêu dùng xanh trong thời gian tới, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay. Cùng với xu hướng tiêu dùng xanh đang ngày càng phát triển, kỳ vọng chiến dịch sẽ ngày càng lan tỏa rộng và sâu trong cộng đồng.
Cũng phải thấy rằng, thực hiện tiêu dùng xanh là vận dụng quyền của người tiêu dùng buộc các doanh nghiệp phải tự giác thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Đó cũng là cách người tiêu dùng bảo vệ chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe chính mình và gia đình. Riêng về phía doanh nghiệp cũng được lợi vì được tham gia môi trường cạnh tranh bình đẳng mà ở đó, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường có cơ hội phát triển hơn. Ngược lại, doanh nghiệp đen, gây hại môi trường sẽ bị buộc phải chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, sạch để được tồn tại và phát triển, nếu không sẽ bị người tiêu dùng loại khỏi thị trường.