Chiến sĩ trẻ Công an Nhân dân - Vì cuộc sống bình yên

Gian nan cứu người
Chiến sĩ trẻ Công an Nhân dân - Vì cuộc sống bình yên

Tất cả đều còn trẻ về tuổi đời và tuổi nghề nhưng họ luôn sẵn sàng tiếp bước truyền thống của lực lượng Công an Nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ, vượt qua “kẻ thù” lớn nhất là bản thân, làm đẹp cho đời.

Gian nan cứu người

Các CB-CS công an trong lễ tuyên dương CB-CS Công an trẻ giỏi năm 2010.
Các CB-CS công an trong lễ tuyên dương CB-CS Công an trẻ giỏi năm 2010.

Lý do mà trung úy Huỳnh Văn Tuấn (SN 1980, Đội phó Đội Cứu hộ cứu nạn, Phòng Hướng dẫn và chỉ đạo về chữa cháy, cứu hộ - cứu nạn, Sở Cảnh sát PCCC TPHCM) chọn làm nghề cứu hộ - cứu nạn nghe khá lạ: “Tôi nghe “đồn” làm nghề này sợ lắm, luôn phải tìm kiếm xác chết hoặc tiếp cận với con người khi họ đang rơi vào nghịch cảnh một sống hai chết. Thế là làm!”.

Năm 2001, khi mới trở thành lính cứu hộ, Tuấn được phân công xuống khu vực Láng Le – Bàu Cò (huyện Bình Chánh, TPHCM) mò tìm thi thể em bé 6 tuổi chết đuối ở sông Chợ Đệm. Lúc đó trời đã tối, phải lặn sâu, mò mẫm dưới đáy sông vào buổi tối, khi trời đã tối mịt để tìm thi thể người chết khiến anh không khỏi rùng mình ớn lạnh.

Sau 4 giờ lặn mò liên tục, Tuấn và đồng đội tìm được thi thể em bé đang bị kẹt dưới một gốc cây chìm dưới sông. Theo nghiệp vụ được huấn luyện, lúc này Tuấn phải kẹp chặt thi thể em bé giữa hai chân và dùng hai tay kéo dây trồi lên. Nhưng lúc đó do sợ nên Tuấn một tay đã ôm em bé, một tay kéo dây còn hai chân thì… kẹp cổ một đồng đội!

Bị kẹp cổ, đồng đội ra sức giãy giụa khiến Tuấn càng… sợ hãi, nhưng anh không dám thả ra, lại còn sợ rơi mất em bé nên kẹp chặt hơn nữa. Sau khoảng 1 phút, anh định thần lại, thắc mắc sao xác chết lại… giãy được, vả lại em bé sao lại đeo ống thở? Lúc dó, Tuấn buông dây thò tay xuống thì mới phát hiện mình kẹp đồng đội mình suýt xỉu.

Sau 10 năm trong nghề, trung úy Huỳnh Văn Tuấn đã dày dạn rất nhiều. Bởi đó là 10 năm đối mặt với khó khăn và căng thẳng, đối mặt với áp lực thời gian. Theo Tuấn, làm việc này, trong thời gian ngắn nhất, lính cứu hộ phải có phương án vẹn toàn để cứu người và tài sản; nếu sơ hở, không những không cứu được tính mạng nạn nhân mà chính bản thân mình cũng khó bảo toàn tính mạng. 10 năm qua, anh đã rèn luyện bản lĩnh để tỉnh táo theo đuổi các phương án cứu hộ có lợi sức khỏe nạn nhân nhất.

Tuấn kể về một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm lính cứu hộ của mình. Đó là rạng sáng ngày 30-12-2008, công trình cao ốc văn phòng CR4-1 (quận 7, TPHCM) xảy ra vụ sập sàn bê tông khiến 4 nữ công nhân đang làm việc ở tầng 3 và 4 bị vùi trong đống bê tông nhão nhoét.

Tiếp cận hiện trường, tiến hành cứu hộ tới 15 giờ cùng ngày, vẫn còn chị Võ Thị Tuyền (SN 1985, quê Sóc Trăng) trong tình trạng nguy kịch do hai chân bị các thanh sắt giàn giáo kẹp chặt và cả núi bê tông đang đông cứng dần đè lên trên. Trong khi lực lượng cứu hộ liên tục đào bới, các nhân viên y tế phải vào tận nơi truyền dịch, bơm oxy và tiêm thuốc giảm đau cho chị Tuyền. Nhưng chị Tuyền yếu dần, bắt đầu lả đi.

Phương án cuối cùng được nhiều người tính đến là… tháo khớp nạn nhân ngay tại chỗ, chấp nhận mất đôi chân để giữ tính mạng cho chị Tuyền. Trong lúc chỉ còn đợi cái gật đầu của vị lãnh đạo trực tiếp chỉ huy cứu hộ thì Tuấn với giọng quả quyết, xin vị chỉ huy cho tiếp tục công tác cứu hộ thêm 20 phút nữa.

Được sự chấp thuận của cấp trên, Tuấn và đồng đội lao vào khối bê tông đang khô cứng dần trên người nạn nhân. Khoảng 15 phút, chị Tuyền đã được đưa ra khỏi hiện trường. Lúc này, đôi mắt của Tuấn loang loáng nước, bởi hạnh phúc đang chực trào ra…

Không được phép dừng lại

Cũng là nỗ lực vì những điều tốt đẹp, nhưng công việc của thượng úy Nguyễn Văn Cường (Phòng 3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – C47B, Bộ Công an) khác hẳn. Cường chia sẻ: “Các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy thường có kết cấu rất phức tạp, nếu bị bắt giữ phải chịu hình phạt rất cao khiến cho các đối tượng manh động, sẵn sàng dùng vũ khí nóng, một sống hai chết cùng cán bộ - chiến sĩ”. Vì thế, việc chọn được mắt xích, đầu mối sơ hở nhất của tội phạm để mở đường đánh vào cả đường dây thường rất khó khăn. Đặc biệt, các băng tội phạm ma túy do người gốc Phi cầm đầu, thường “thừa” chiêu bài đối phó với lực lượng công an do đã có kinh nghiệm hoạt động lâu năm ở các nước trên thế giới. Nhưng hiểm nguy không chặn được quyết tâm của Cường.

Nhiều đối tượng gốc Phi đã dừng chân ở VN, cặp kè, sống như vợ chồng với người VN, rồi lôi kéo, tập huấn chính vợ mình vào đường dây buôn bán ma túy là nỗi đau cứa vào lòng Cường và đồng đội khi tìm hiểu về thủ đoạn, phương thức hoạt động của bọn chúng. Bi kịch của nhiều gia đình khi có con em dính vào cái chết trắng không cho phép Cường dừng lại. Bản thân anh, để hạn chế hiểm nguy đã luôn nằm lòng khẩu ngữ “phải biết mình, biết ta” - tìm hiểu thật kỹ thông tin đối tượng, lên kế hoạch thật chi tiết và nhiều kế hoạch để sử dụng linh động trong mọi tình huống. Trong thời gian qua, anh đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tham mưu và tham gia đấu tranh khám phá 4 chuyên án ma túy do người gốc Phi cầm đầu, bắt giữ 25 đối tượng, thu khoảng 40 bánh heroin.

Nhận xét về các cán bộ - chiến sĩ trẻ, anh Bùi Tá Hoàng Vũ, Phó Bí thư Thành đoàn TNCS TPHCM cho rằng: Từ những cống hiến của mình, các bạn trẻ đã góp phần khắc họa diện mạo mới của thanh niên công an nói riêng và thanh niên TPHCM nói chung. Đó là những bạn trẻ biết sống theo lý tưởng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, không ngừng phấn đấu vươn lên vì những giá trị tốt đẹp của gia đình và xã hội. Đó là những tấm gương cho thanh thiếu niên TPHCM noi theo.

Tất cả đều còn trẻ về tuổi đời và tuổi nghề nhưng họ luôn sẵn sàng tiếp bước truyền thống của lực lượng Công an Nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ, vượt qua “kẻ thù” lớn nhất là bản thân, làm đẹp cho đời.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục