Quốc hội đã phê chuẩn việc bổ nhiệm các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới. Điều được dư luận chú ý là thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới trẻ hơn, được đào tạo chính quy bài bản hơn các nhiệm kỳ trước. Trong số các thành viên Chính phủ có 4 người độ tuổi 61 - 65, 20 người độ tuổi 51 - 59 và 2 người 48 - 50 và vị nào cũng được đào tạo bài bản chính quy.
Xét về mặt tổ chức, Chính phủ mới thể hiện được sự kết hợp hài hòa giữa các thành viên có kinh nghiệm quản lý điều hành, có bản lĩnh chính trị với các thành viên trẻ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Sự kết hợp hài hòa này là cơ sở để tin tưởng rằng Chính phủ mới vừa đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ trước mắt vừa chuẩn bị lực lượng kế thừa để có thể làm việc lâu dài đảm bảo sự ổn định trong quản lý điều hành đất nước.
Các thành viên trong độ tuổi trên dưới 50 đủ tài đủ đức làm tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ này, xứng đáng là công bộc của dân thì không lý gì không được Quốc hội tiếp tục bổ nhiệm.
Xét về từng thành viên là như vậy, còn xét về việc thay đổi cơ cấu Chính phủ có thể thấy nhiệm kỳ này xu hướng gom đầu mối, tinh gọn bộ máy bước đầu đã được thực hiện: đã giảm được 4 bộ và cơ quan ngang bộ (giảm từ 26 xuống còn 22). Xu hướng tinh gọn giảm bộ sẽ còn tiếp tục trong các nhiệm kỳ tới.
Chính phủ mới đã bắt tay vào việc. Và nhiệm vụ đặt ra trong 5 năm cho nhiệm kỳ Chính phủ mới hết sức nặng nề với 2 cột mốc thách thức trước mắt và trung hạn. Cụ thể là hoàn thành nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2007 và đến năm 2010 (nghĩa là chỉ còn 4 năm nữa) đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển theo tinh thần “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2000 - 2010)”. Phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2007 là 8,5%, nhưng không phải tăng trưởng kinh tế với bất cứ giá nào, không làm giá cả leo thang dẫn đến lạm phát, nhập siêu, hủy hoại môi trường. 7 tháng đầu năm 2007 chỉ số giá cả đã tăng đến 6,19%, nhập siêu hơn 5 tỷ USD là hồi còi báo động. Còn để được đánh giá là nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển thì GDP bình quân đầu người phải đạt 1.000 USD, giờ ta mới được hơn một nửa. Trong phát triển kinh tế - xã hội phải coi phát triển con người là mục tiêu số 1, kinh tế chỉ là phương tiện, là công cụ để đạt mục tiêu đó. Bởi vậy trong điều hành phải cân đối 3 nhóm nhiệm vụ: kinh tế - xã hội - môi trường.
Đây là thách thức đối với Chính phủ mới. Ý thức được điều này, thay mặt Chính phủ mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Thách thức lớn nhất đối với Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước là phải vượt lên chính mình, xây dựng cho được một Chính phủ và hệ thống các cơ quan hành chính thực sự của dân, do dân và vì dân, trong sạch vững mạnh để phát triển nhanh và bền vững...”.
Nhân dân cả nước đang kỳ vọng vào Chính phủ mới!
Lê Minh