Chính phủ vẫn quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012

Sáng 20-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) khóa XIII, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2012, 4 tháng đầu năm 2013.
Chính phủ vẫn quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012

Sáng 20-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) khóa XIII, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2012, 4 tháng đầu năm 2013.

        Nợ xấu vẫn cao

"Chính phủ cần có các phương án tháo gỡ khó khăn cụ thể đối với doanh nghiệp. Tập trung mọi nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản"

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu

Báo cáo cho biết, trong tổng số 15 chỉ tiêu kế hoạch năm 2012 có thêm chỉ tiêu giảm nghèo vượt kế hoạch đề ra. Như vậy có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu không đạt. Về KT-XH 4 tháng năm 2013, Chính phủ nhận định đã có những chuyển biến tích cực. Giá tiêu dùng tháng 4-2013 tăng 2,41% so với tháng 12-2012, đạt mục tiêu đề ra là thấp hơn cùng kỳ năm trước (2,6%) và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% - 3%/năm so với cuối năm 2012. Dư nợ tín dụng đã tăng trở lại qua các tháng, tính đến cuối tháng 4 tăng 2,11%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 (4 tháng đầu năm 2012 giảm 0,2%). Xuất khẩu 4 tháng đạt trên 39 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước,

Chính phủ cũng nhận định, các giải pháp về thuế, khơi thông tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã đạt được kết quả bước đầu. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 tăng 4,89%, đạt mục tiêu đề ra là cao hơn cùng kỳ năm trước (4,75%). Một số sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng khá; hàng tồn kho giảm dần. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm và cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận, dù KT-XH 4 tháng đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt được kết quả bước đầu nhưng còn chậm, chưa vững chắc và còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nổi lên là sức ép lạm phát và tiềm ẩn bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước định giá như điện, than bán cho điện, nước, giáo dục, y tế... theo cơ chế thị trường còn chậm, gặp nhiều khó khăn.

Mặt bằng lãi suất cho vay có giảm nhưng còn cao, tăng trưởng tín dụng vẫn còn ở mức thấp so với định hướng tăng 12% của năm 2013. Nợ xấu tuy được kiểm soát nhưng vẫn còn cao, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn. Quản lý thị trường vàng mới chỉ đạt kết quả bước đầu, chưa huy động được nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế. Cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, tiến độ thu ngân sách chậm và đạt thấp… Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; số đăng ký mới thấp hơn so với cùng kỳ. Thị trường bất động sản thanh khoản kém, phục hồi chậm. Quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng tiến triển chậm. Việc làm, thu nhập và đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn…

        Tiết kiệm thêm 10% các khoản chi thường xuyên

Trước tình hình đó, Chính phủ báo cáo QH những giải pháp tập trung của những tháng cuối năm. Theo đó, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012 (năm 2012 tăng trưởng 5,03%). Giảm mặt bằng lãi suất hợp lý, phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng 12% cả năm 2013. Tăng cường quản lý ngân sách nhà nước; phấn đấu giữ bội chi ngân sách như QH đã thông qua (4,8% GDP). Chính phủ cũng khẳng định sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tiếp tục ổn định thị trường vàng, huy động nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế. Đồng thời, thực hiện tiết kiệm thêm 10% các khoản chi thường xuyên (không kể chi lương) trong những tháng còn lại của năm 2013; trong đó, tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, xăng dầu, tiết kiệm tối thiểu 30% kinh phí hội nghị, tiếp khách, lễ hội, khánh tiết, đi công tác trong nước và nước ngoài.

Chính phủ cũng khẳng định tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và chính sách hỗ trợ tín dụng. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục liên quan đến xử lý nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn.

Chính phủ cũng nhấn mạnh sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí.

"Tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, tôi thấy họ nói lãi suất dù có giảm xuống 8% - 9%/năm lúc này cũng không vay. Chuyện lớn nhất hiện nay là nền kinh tế bị nghẽn, không hấp thụ được vốn. Cho nên lúc này quan trọng nhất là làm được tất cả những gì đã nói để củng cố niềm tin thị trường, không cần “đẻ” ra thêm nhiều giải pháp nữa!"

ĐBQH Trần Du Lịch

LÂM NGUYÊN


  • Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Cho vay hỗ trợ nhà ở lãi suất 6%/năm vẫn là cao

Từ ngày 1-6, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở với lãi suất không quá 6%/năm trong 10 năm chính thức được triển khai. Hôm qua 20-5, trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng mức lãi suất như vậy vẫn còn cao.

Từ góc độ của người làm nghiên cứu, tôi thấy trên thế giới không ai cho vay ưu đãi mua nhà với lãi suất cao như vậy. Theo tôi, lãi suất 3%/năm là hợp lý, giúp tăng hiệu quả của gói hỗ trợ, tạo được dòng chảy mới cho thị trường bất động sản.

* Phóng viên: Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chỉ cho vay với người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ và các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Theo ông, quy định này có hợp lý?

* Ông NGUYỄN ĐỨC KIÊN:
Theo tôi nên cho phép bất cứ ai thu nhập ổn định, có nhu cầu chính đáng về nhà ở đều được vay. Giá nhà thuộc diện vay ưu đãi bao nhiêu, tôi cũng cho rằng không nên cứng nhắc quy định ở mức bao nhiêu. Giá cả do thị trường quyết định. Tất nhiên chúng ta không thể yêu cầu nhà nước phải giải cứu mọi phân khúc trên thị trường mà phải chọn lựa những phân khúc phù hợp, có tác động lan tỏa.

* Hạ lãi suất là một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Nhưng đến nay các ngân hàng vẫn chưa thể đưa xuống mức thấp như kỳ vọng của các doanh nghiệp. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

* Lãi suất là một vấn đề nằm trong tổng thể nền kinh tế. Không thể cứ nói hạ là ép xuống ngay như mong muốn. Lý do quan trọng nhất là “sức khỏe” hệ thống các tổ chức tín dụng, chừng nào chưa được xử lý thì lãi suất khó hạ. Ép ngân hàng hạ lãi suất cho vay với dự án này dự án kia, nhưng ai đứng ra khẳng định và chịu trách nhiệm dự án đó tốt, hiệu quả? Tới một lúc nào đó, các ngân hàng thấy rằng cứ để thế này doanh nghiệp không thể vay được thì họ sẽ hạ.

* Lãi suất chưa thể giảm như kỳ vọng, vậy để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh theo ông cần có giải pháp gì thêm?

* Sau 5 tháng, phần lớn các giải pháp đề ra theo tinh thần nghị quyết Quốc hội, Chính phủ đều chưa được thực hiện. Gói 30.000 tỷ đồng cũng mới được thông qua. Các giải pháp khác chưa bắt đầu. Quan điểm của tôi là cứ thực hiện những giải pháp đã đề ra đã, xem hiệu quả tới đâu rồi hãy nói tới chuyện điều chỉnh.

HÀM YÊN ghi

Tin cùng chuyên mục