Cho con đất để được phụng dưỡng tuổi già

Thời gian qua, nhiều người lớn tuổi cho con cái nhà đất, tài sản với điều kiện kèm theo là người con phải phụng dưỡng, chăm lo cho mình trong những năm cuối đời. Nhưng dòng đời chảy trôi, đôi lúc cha mẹ con cái lại phải đưa nhau ra tòa. 

Kiện con đòi lại đất

Giữa tháng 9 vừa qua, TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản” mà nguyên đơn là một người cha đã 89 tuổi, kiện con trai để đòi lại một nửa số đất ông đã cho từ mười mấy năm trước vì cho rằng bị con trai và con dâu ngược đãi.

Theo nội dung trong đơn khởi kiện của cụ C. thì ngày 17-8-2006 cụ lập “Giấy cho đất và nhà ở” cho con trai là ông L. Đổi lại, ông L. phải cam kết có trách nhiệm “nuôi cha và lo thuốc thang khi cha đau ốm; khi cha chết thì phải phối hợp với anh, chị, em lo ma chay và mồ mả cho cha mình; hàng năm phải lo giỗ chạp ông bà, cúng tế...”.

Đến ngày 1-10-2014, các bên ra công chứng hợp đồng tặng cho, với tài sản tặng cho là 606m2 đất. Tuy nhiên, thực tế cụ C. chỉ giao 310m2 để con trai và con dâu xây nhà. Còn lại 296m2 đất và nhà cụ vẫn sử dụng. Nay cụ khởi kiện đòi lại 296m2 đang sử dụng vì cho rằng con trai và con dâu ngược đãi, xúc phạm, thường xuyên không cho ăn, chửi bới dọa nạt lớn tiếng với cụ.

Có mặt tại tòa, những người con khác của cụ C. cho biết vợ chồng ông L. chăm lo phụng dưỡng cho cụ C. và lo giỗ chạp từ trước đến năm 2015 rất tốt, nhưng từ 2015 đến nay, nhiều lần cụ C. than phiền bị bạc đãi. Chuyện ông L. lớn tiếng trong ngày giỗ bà nội, những người này đều xác nhận là có. 

Cho con đất để được phụng dưỡng tuổi già ảnh 1 Ngày nay, nhiều người cao tuổi chọn sống tại các viện dưỡng lão vì có bạn bè giao lưu, 
sinh hoạt vui vẻ. Ảnh: Viện Dưỡng lão Bình Mỹ, huyện Củ Chi, cung cấp

“Tôi không chịu đựng nổi nữa nên muốn đòi lại một phần đất đã cho, để lấy nơi thờ cúng tổ tiên và sinh sống yên ổn những ngày cuối đời”, cụ C. trình bày. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ, tuyên buộc vợ chồng ông L. phải trả lại 296m2 đất cho cha; cụ C. phải đưa lại cho con 27,5 triệu đồng tiền công tôn tạo tài sản trên đất. Vợ chồng ông L. kháng cáo toàn bộ bản án. 

Lòng hiếu thảo đo bằng gì?

Trước tòa, ông L. trình bày, vợ chồng ông đã chăm sóc cha rất tốt, làm tròn nghĩa vụ giỗ chạp, chăm lo mồ mả tổ tiên, xây mộ cho mẹ, nuôi các cháu và thăm nom anh em trong nhà chấp hành án phạt tù. Năm 2005, bà H. (vợ ông) còn được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tặng giấy khen con dâu thảo hiền.

Theo ông, nguyên nhân mâu thuẫn là do cha nghe lời những đứa em xúi giục lấy lại đất để bán. Ông thừa nhận đôi lúc cha con có mâu thuẫn nhỏ, do tính tình cụ C. khó ăn khó ở, như đưa cơm trễ là cụ la chửi nên ông L. có bực mình, nhưng thường ngày ông vẫn chăm lo.

TAND tỉnh Bình Phước xác minh, thu thập chứng cứ và xác định, những người làm chứng đều cho biết vợ chồng ông L. đối xử rất tốt với cha, bà con hàng xóm chưa nghe điều tiếng gì xấu. Ngay cụ C. cũng thừa nhận từ năm 1999 đến 2017 các con đối xử với mình rất tốt. Những người con khác khẳng định cha bị ngược đãi, nhưng chỉ là nghe cụ kể lại chứ không chứng kiến vì không ở chung.

Đặc biệt, HĐXX còn xét đến khái niệm “hiếu thảo”. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình, con phải “có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình”.

Nhưng pháp luật không quy định và không đánh giá sự hiếu thảo như thế nào là đúng, là đủ một cách cụ thể. Về hành vi “ngược đãi”, theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2001 (Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND tối cao, Viện KSND tối cao) “thường được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường; hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như đánh đập, giam hãm… làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần”. 

Từ đó, tòa phúc thẩm nhận định trường hợp mâu thuẫn giữa cụ C. và vợ chồng ông L. chỉ là mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, phần nhiều là do bất đồng quan điểm dẫn đến tranh cãi nhất thời, không có hệ thống và không phải là hành vi ngược đãi.

Nếu xét cả quá trình chung sống với cụ C. thì vợ chồng ông L. là người con tốt trong gia đình, chịu thương chịu khó, nhẫn nại, có hiếu thảo, dâu hiền với cụ C. Từ đó, HĐXX cho rằng ông L. không vi phạm nghĩa vụ của người nhận tài sản; tuyên sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ C. về yêu cầu hủy bỏ một phần hợp đồng tặng cho tài sản.

Vận dụng án lệ

Năm 2007, TAND TP Điện Biên và TAND tỉnh Điện Biên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ việc người cha khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho con trai mảnh đất. Bởi khi cho đất, ông ra điều kiện con phải xây nhà cho ông ở. Nhưng đất đã sang tên rồi mà con vẫn không thực hiện lời hứa, còn yêu cầu ông ra nơi khác ở. Tòa sơ thẩm bác yêu cầu của ông. Tòa phúc thẩm lại chấp nhận, tuyên thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cấp lại cho ông cụ. 

Xem xét lại vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm, Tòa Dân sự TAND tối cao đã quyết định hủy án phúc thẩm và sơ thẩm, giao vụ án cho TAND TP Điện Biên xét xử sơ thẩm lại. Trong đó cần xem xét việc người con trai có thực hiện điều kiện của hợp đồng hay chưa.

Cụ thể, dù không được ghi trong hợp đồng, nhưng tại các văn bản khác các bên đã thỏa thuận, thống nhất về điều kiện tặng cho và các điều kiện này là hợp pháp thì tòa án phải công nhận các điều kiện này và xác định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đó là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Quyết định giám đốc thẩm này sau đó trở thành án lệ số 14/2017. Trong vụ án ở Bình Phước, án lệ này đã được áp dụng.

Tin cùng chuyên mục