“Chơi” điện thoại di động ở ngoại thành

Chủ cửa hàng điện thoại di động (ĐTDĐ) Viễn Thông (xã Tân Qui, huyện Củ Chi), anh Nguyễn Minh Phi cho biết, năm 2002, khi mở cửa hàng ĐTDĐ đầu tiên ở đây, số người sử dụng rất ít. Nhưng giờ đây, người dân ngoại thành sử dụng ĐTDĐ ngày một nhiều. Hiện nay có gần chục cửa hàng ra đời tại thị tứ nhỏ bé này.
“Chơi” điện thoại di động ở ngoại thành

Chủ cửa hàng điện thoại di động (ĐTDĐ) Viễn Thông (xã Tân Qui, huyện Củ Chi), anh Nguyễn Minh Phi cho biết, năm 2002, khi mở cửa hàng ĐTDĐ đầu tiên ở đây, số người sử dụng rất ít. Nhưng giờ đây, người dân ngoại thành sử dụng ĐTDĐ ngày một nhiều. Hiện nay có gần chục cửa hàng ra đời tại thị tứ nhỏ bé này.

Tiện ích cho nông dân

“Chơi” điện thoại di động ở ngoại thành ảnh 1

Thanh niên nông thôn Củ Chi đến mua điện thoại di động tại cửa hàng Viễn Đạt.
 Ảnh: Q.Đ.

Việc ĐTDĐ “phủ sóng” vùng nông thôn ngoại thành là tín hiệu đáng mừng cho người dân nơi đây. ĐTDĐ trở thành phương tiện liên lạc hữu dụng. Anh Nguyễn Văn Lộc, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Tân Qui, nhìn nhận, chiếc ĐTDĐ giúp ích rất nhiều trong việc kinh doanh. Ngoài trao đổi với khách hàng, nhà sản xuất, ĐTDĐ còn giúp cập nhật giá nguyên vật liệu mỗi ngày qua hệ thống nhắn tin.

Chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc được cập nhật giá vàng, đô la từng ngày, thậm chí từng giờ. Các đại lý ga, đại lý thức ăn gia súc, các dịch vụ thương mại… ở nông thôn hiện nay đều trang bị ĐTDĐ để nhanh chóng phục vụ khách hàng. Theo bác sĩ thú y Hồ Bé Năm, xã Tân Thạnh Đông, cả ngày ở các chuồng trại, nếu không có ĐTDĐ không thể hành nghề được, người nuôi bò khó liên lạc khi có nhu cầu, dễ mất khách hàng.

Anh Nguyễn Văn Giang, xã Nhuận Đức, hành nghề kinh doanh rau, quả cho rằng: “ĐTDĐ không chỉ giúp giao dịch với mối lái tức thời, mà còn nghe được chương trình radio qua điện thoại thông báo mỗi buổi sáng về giá cả các mặt hàng nông sản về các chợ… từ đó cân đối liều lượng bỏ mối các chợ, khuyến cáo nông dân trồng loại nào có giá...”.

Những cuộc chơi lãng phí

Nhưng mặt trái của việc sử dụng ĐTDĐ cũng có nhiều vấn đề để nói. Không ít “hai lúa” thời nay tiêu tiền một cách lãng phí vào ĐTDĐ. Đến những nơi này mới thấy, nhiều thanh niên nông thôn thích “chơi” ĐTDĐ loại xịn, sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để đổi điện thoại mới, dù điện thoại cũ chỉ mua trước đó vài tuần.

Anh Th., ấp 1A, xã Tân Thạnh Tây, gốc là dân “hai lúa”, giờ là chân tài xế một công ty, khi chiếc Nokia 6600 còn quảng cáo trên mạng, anh đã nhờ người quen đi du lịch nước ngoài “tậu” về. Nhưng chưa biết sử dụng hết chức năng, lại thấy chiếc Nokia 7200 kiểu dáng “hiện đại” hơn, anh mất đứt 2 triệu đồng để đổi. Còn chiếc điện thoại Nokia 7610 đầu tiên xuất hiện ở khu vực Tân Qui, Củ Chi không kém phần kỳ quặc.

Khi điện thoại này mới ra đời, N.V.H, ấp 12, xã Tân Thạnh Đông, chỉ lướt nhìn đã “ghiền”. Không đủ tiền để đổi, anh liều cầm chiếc xe Wave để ghi số đề. Chiều hôm đó, nhờ trúng gần 20 triệu anh “tậu” ngay chiếc điện thoại này. Nhưng liều kiểu này quả là có ngày… phải ra đê ở.

Ở Củ Chi, nói về “thú chơi” ĐTDĐ của giới nữ phải kể đến T.V, xã Trung An. Cô chỉ mới sử dụng ĐTDĐ cách đây 1 năm, nhưng đã 10 lần thay đổi. Là thợ chụp ảnh cưới ở nông thôn, nhưng số tiền mà cô chi tiêu cho ĐTDĐ năm qua gần 30 triệu đồng. Nhưng tiêu tiền lãng phí kiểu này còn thua anh T. V. T, ấp 2A, xã Tân Thạnh Tây. Chỉ trong vòng 2 năm, anh đã chi cho “thú chơi” này hơn 60 triệu đồng!

Theo dân chơi miệt vườn, nếu sở hữu ĐTDĐ đời mới nhất mà simcard có “số lùi” hoặc “số bù” vẫn là “nhà quê”. Những loại số “tứ quý”, “số gánh”, “tam cô”, “tam mã”, “thần tài”, “thổ địa”, số tăng… được không ít thanh niên nông thôn “tậu” về. Có người chẳng làm gì cũng sắm điện thoại xịn, số đẹp; cả ngày chẳng thấy ai gọi đến, mà cũng chẳng biết ai để gọi, nhưng hễ nhậu xỉn vô là gọi một lần hết cái thẻ 300.000 đồng. Một chủ cửa hàng ĐTDĐ ở Củ Chi, nhẩm tính, “Hai huyện Hóc Môn và Củ Chi có gần 100 cửa hàng ĐTDĐ, nếu mỗi tháng các cửa hàng này bán ra khoảng 10 triệu đồng tiền thẻ thì hai huyện ngoại thành này đã tiêu tiền tỷ cho cước ĐTDĐ.

Sử dụng điện ĐTDĐ ở ngoại thành ngày càng phổ biến là xu thế và nhu cầu trong giao dịch, kinh doanh, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân sản xuất, kinh doanh vùng nông thôn… Nhưng có không ít người dùng điện thoại chỉ để đánh số đề, cá độ bóng đá… Nhiều vụ tai nạn giao thông trên các tuyến đường nông thôn xảy ra, mà nguyên nhân xuất phát từ những “hai lúa” tay lái xe, tay “nghe” điện thoại.

NGUYỄN PHƯƠNG LAM 
 

Tin cùng chuyên mục