Chồi măng mãnh liệt như sức sống con người

Chồi măng, người miền Nam gọi mụt măng, người miền Bắc gọi đụt măng hay đụn măng, là hình ảnh quen thuộc ở vùng nông thôn, miền núi nước ta. Hồi nhỏ, tôi nhớ mỗi khi mùa mưa bắt đầu, sáng ra thường thấy mụt măng non tơ trồi lên trong các bụi tre trông rất thích thú. Khoảng hơn mười ngày sau, những mụt măng nhảy ra ở phía ngoài được hái về chế biến thức ăn, còn những mụt măng nằm sâu giữa bụi thì được giữ lại nuôi lớn thành tre.
Chồi măng mãnh liệt như sức sống con người

Chồi măng, người miền Nam gọi mụt măng, người miền Bắc gọi đụt măng hay đụn măng, là hình ảnh quen thuộc ở vùng nông thôn, miền núi nước ta. Hồi nhỏ, tôi nhớ mỗi khi mùa mưa bắt đầu, sáng ra thường thấy mụt măng non tơ trồi lên trong các bụi tre trông rất thích thú. Khoảng hơn mười ngày sau, những mụt măng nhảy ra ở phía ngoài được hái về chế biến thức ăn, còn những mụt măng nằm sâu giữa bụi thì được giữ lại nuôi lớn thành tre.

Nhà ở sát chợ, nên vào mùa măng tôi còn thấy người dân quê hái bán mụt măng rất nhiều. Ngoài măng vườn, măng đồng, người ta còn lên núi hái măng rừng về bán. Măng kho với cá hoặc giò heo thành những món ăn rất ngon. Mỗi khi mùa măng tới, những đêm bên ngọn đèn dầu hột vịt leo lét, anh em tôi hay nghe cha kể chuyện đời Tam Quốc bên Trung Hoa có người tên Mạnh Tông sớm mồ côi cha, sống chí hiếu với mẹ già. Một lần mẹ bị bệnh, thèm ăn măng, nhưng đang lúc trái mùa măng khan hiếm, tìm măng không có nên Mạnh Tông ra bụi tre sau vườn nhà ngồi ôm mặt khóc. Như có phép màu, từ trong bụi tre chợt mọc lên một mụt măng, Mạnh Tông mừng rỡ hái vào nấu cháo cho mẹ ăn khỏi bệnh.

Về sau lớn lên đọc sách, tôi mới biết câu chuyện trên do cha kể là trong sách truyện Nhị thập tứ hiếu. Cũng trong sách này còn có chuyện Mạnh Tường đời Tấn cởi trần nằm trên băng giá mùa đông chờ cá nhảy lên bắt về nấu cho dì ghẻ ăn đã cảm hóa được người mẹ kế độc ác. Hai câu chuyện về Mạnh Tường và Mạnh Tông là nguồn gốc của thành ngữ “Nằm giá, khóc măng” nói về tấm lòng hiếu thảo của người đời.

Rời quê vào sống ở thành phố, hình ảnh chồi măng dần biến mất trong tôi. Thi thoảng tôi vẫn được ăn măng ngoài quán hoặc người nhà mua về kho nấu, nhưng đó là măng đã được chế biến sẵn, còn cái hình ảnh chồi măng trồi lên trong bụi tre sau những cơn mưa đầu mùa mát mẻ, hoặc mụt măng được bày bán la liệt bắt mắt ngoài chợ thì tôi không còn được nhìn thấy nữa. Gần đây, khi chuyển nhà về quận Tân Phú của TPHCM, hàng ngày qua lại đường Tân Kỳ Tân Quý có mấy bụi tre, tôi thường rà xe chậm lại nhìn vào thử có mụt măng nào xuất hiện hay không. Nhìn chồi măng như nhìn nụ cười tinh khôi em bé sơ sinh. Nhìn măng mới mọc ẩn khuất giữa bụi gai tre để cảm nhận thêm sự bí ẩn của thiên nhiên và cho lòng đỡ nhớ quê nhà.

Một sáng đầu xuân, sau cơn mưa đêm nhè nhẹ, tôi lại chạy qua con đường có mấy bụi tre và dừng xe nhìn vào với hy vọng sẽ có chồi măng trồi lên. Nhưng măng vẫn biệt tăm. Có thể măng đã mọc mà người ta hái đi, tôi không có duyên được nhìn. Về nhà, mở cuốn tiểu thuyết tự truyện Được sống và kể lại(*) của Trần Luân Tín vừa tái bản để đọc tiếp phần còn lại, tôi như người “buồn ngủ gặp chiếu manh” khi gặp đoạn văn ông viết rất xúc động về những chồi măng mọc giữa chiến trường tan hoang bên bờ sông Thạch Hãn ở Quảng Trị năm 1972. Người lính thông tin bảo vệ đường dây tuyến lửa năm xưa kể rằng: “Gần căn hầm của tôi có nhiều bụi tre bị bật gốc. Có vài bụi còn bám vào đất nhưng đã bị chặt nát, cháy khô. Vậy mà len vào giữa đám gốc xơ xác ấy đã bật lên vài đụn măng non nhỏ bằng ngón tay, chúng bật lên như phẫn nộ mà lại rất ngây thơ. Nếu may mắn qua khỏi cuộc chiến này chắc chắn chúng sẽ bật lớn rất nhanh và sẽ vô cùng xanh mát”.

Tiểu thuyết tự truyện Được sống và kể lại của Trần Luân Tín vừa được tái bản chung với bộ sách nhận giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 5 năm (2010-2015)

Không còn màu xanh, không còn dân cư, tuyến lửa Quảng Trị vào thời điểm khốc liệt nhất này chỉ có bom đạn ào ạt trút và bóng những người lính bám trụ dưới lòng đất thoắt ẩn thoắt hiện. Sự sống “công khai” duy nhất là những chồi măng. Nhà điêu khắc, nhà văn Trần Luân Tín còn nhớ lại: “Mỗi khi thò đầu ra khỏi hầm, nhìn thấy những đụt măng, tôi thường ngẩn người. Những vệt màu xanh trong trẻo, rồi chúng sẽ kể về những ngày này cho những đụt măng kế tiếp, chúng sẽ kể suốt đời, để cho bọn măng mọc sau biết là chúng đã sinh ra trên mảnh đất gì và cần phải lớn lên như thế nào”. Và ông cũng cảm khái: “Trên khắp hành tinh, có lẽ khó có bóng cây nào sẽ âu yếm đất hơn bóng lá của những cây tre này, sẽ yêu thương mầm non hơn những cây tre này. Tôi thường theo dõi những đụt măng, đếm chúng hàng ngày như điểm danh đội ngũ. Cứ hồi hộp sau mỗi đợt bom hay pháo kích. Trong làng đen, những đụt măng tre thật chẳng khác gì cả một thiên nhiên tha thiết”.

Tôi chưa được đọc trang sách nào viết về chồi măng, cây tre xúc động như Trần Luân Tín. Trải nghiệm thực tế của người lính chiến trường, tư duy thẩm mỹ của một nhà điêu khắc, độ chín cảm xúc của cây bút sớm có năng khiếu văn chương đã giúp ông tái hiện hình ảnh kỳ diệu chênh vênh giữa sự sống và cái chết mà những “đụn măng non nhỏ” trở thành biểu tượng tươi xanh bất diệt. Những đụn măng mọc lên trên xương thịt con người và như hóa kiếp của chính con người bị chiến tranh bức tử.

Đất nước trải qua quá nhiều bi kịch đau thương. Sự sống của con người một thời quý hiếm như những chồi măng trồi lên ngang tàng giữa chiến trường Quảng Trị. Ngày xuân nhớ về những kỷ niệm ấu thơ, đọc trang sách của người lính may mắn thoát khỏi lưỡi lửa tử thần Trần Luân Tín, lòng tôi dâng cơn gió xoáy với bao tâm tư khắc khoải về số phận con người và thiên nhiên của xứ sở bên bờ biển Đông hiếm hoi thế hệ bình yên. Với đất nước này, chồi măng còn là biểu tượng sức sống mãnh liệt của con người!

------------------------------

(*) Tiểu thuyết tự truyện Được sống và kể lại của Trần Luân Tín vừa được tái bản chung với bộ sách nhận giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 5 năm (2010-2015).

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục