Chọn địa điểm giao lưu tác giả tác phẩm: Dễ mà khó

Giao lưu tác giả tác phẩm, tọa đàm về sách là những hoạt động không thể thiếu trong việc xây dựng một nền văn hóa đọc lành mạnh, tiến bộ. Thế nhưng, bên cạnh các vấn đề về nội dung chuyên môn như lựa chọn tác phẩm, tác giả, bạn đọc… thì có một trở ngại không nhỏ cho những người tổ chức, đó là lựa chọn địa điểm phù hợp cho các hoạt động mang tính văn hóa này.
Chọn địa điểm giao lưu tác giả tác phẩm: Dễ mà khó

Giao lưu tác giả tác phẩm, tọa đàm về sách là những hoạt động không thể thiếu trong việc xây dựng một nền văn hóa đọc lành mạnh, tiến bộ. Thế nhưng, bên cạnh các vấn đề về nội dung chuyên môn như lựa chọn tác phẩm, tác giả, bạn đọc… thì có một trở ngại không nhỏ cho những người tổ chức, đó là lựa chọn địa điểm phù hợp cho các hoạt động mang tính văn hóa này.

Từ khách sạn đến quán cà phê

Buổi giao lưu giữa nhà nghiên cứu trẻ Trần Quang Đức, tác giả bộ sách Ngàn năm áo mũ được đánh giá cao về học thuật với bạn đọc TPHCM diễn ra gần như thành công trọn vẹn. Bạn đọc với tác giả trao đổi, tranh luận nhiều vấn đề xung quanh chủ đề của tác phẩm, không khí học thuật đầy sôi nổi. Thế nhưng, gọi là “gần như” vì vẫn có một khiếm khuyết đó là không gian của cuộc giao lưu không mấy thích hợp cho một hoạt động như thế.

Cuộc giao lưu diễn ra tại một quán cà phê và dù rằng những người tổ chức đã thuê trọn nguyên tầng trên của quán thì họ cũng không thể thay đổi được kết cấu vốn dùng để phục vụ các nhóm khách nhỏ hơn là một tập thể trao đổi. Kết quả, khách tham dự người thì ngồi chễm chệ trên ghế salon, kẻ lại ngồi ghế cao dạng  bar rồi có người thì phải ngồi quay lưng lại do bố trí ghế ở khu vực  không thể thay đổi… Rõ ràng, đó không phải là một không gian phù hợp cho môi trường văn hóa nhất là văn hóa đọc.

Tuy thế cuộc giao lưu trên còn được coi là may mắn. Lần ra mắt một tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được tổ chức cũng tại một quán cà phê mới thực sự được xem là một “thảm họa”. Căn phòng nhỏ chỉ hơn 20m2 chất đầy người, chẳng ai còn thấy nổi tác giả đâu. Không khí ngột ngạt, bức bối nhưng người đã ngồi trong lại không thể ra ngoài và ngược lại người ở ngoài không thể vào trong. Kết quả, rất nhiều bạn đọc đã phải ngồi bên ngoài đợi đến khi cuộc giao lưu kết thúc để được gặp tác giả lúc ra về.

Không gian buổi giao lưu với nhà văn Trần Mạnh Tuấn.

Phụ trách truyền thông của một đơn vị làm sách cho biết, ngoại trừ một số NXB lớn còn có mặt bằng để tổ chức sự kiện thì đại đa số những đơn vị làm sách khác đều không có nơi cố định để tổ chức các hoạt động. Thuê khuôn viên tại các khách sạn, trung tâm hội nghị chi phí rất cao không phù hợp với công việc quảng bá, giao lưu sách vốn hạn hẹp về kinh phí.

Chính vì thế, dù biết là chưa ổn nhưng họ cũng không còn lựa chọn nào ngoài các quán cà phê vốn rất phổ biến tại TPHCM. Ngay cả như thế, mọi sự cũng không dễ dàng, các quán cà phê không phải lúc nào cũng mặn mà với họ vì thường chiếm nhiều diện tích, ồn ào… chính vì thế mà việc tổ chức khi thì nơi này, lúc lại phải chạy nơi khác.

Thư viện - chốn lý tưởng cho văn hóa đọc

Cuối năm 2014, tại phòng đọc doanh nhân Thư viện Khoa học tổng hợp (KHTH) TPHCM diễn ra một sự kiện, đó là cuộc giao lưu giữa nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn cùng bạn đọc nhân việc xuất bản hai cuốn sách của ông. Cuộc giao lưu diễn ra rất thành công về mặt tổ chức trong một không gian đậm chất văn hóa. Cuộc giao lưu này cũng đánh dấu sự trở lại của CLB Tác giả tác phẩm do Thư viện KHTH tổ chức.

Thực tế, CLB Tác giả tác phẩm đã ra đời từ cách nay gần 10 năm (2005) tuy nhiên vì một số lý do khách quan, CLB đã phải ngừng hoạt động. Theo bà Trần Thị Gìn, Phó Giám đốc Thư viện KHTH thì trong lần trở lại này, CLB có nhiều điểm mới trong phương thức hoạt động mà nổi bật nhất là sự kết nối với các NXB, đơn vị làm sách và tính linh hoạt trong tổ chức.

Việc kết nối với các NXB được thực hiện thông qua Hội Xuất bản Việt Nam. Hội sẽ hỗ trợ giới thiệu các đơn vị xuất bản, làm sách đến với thư viện để cùng tổ chức các sự kiện. Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam thì CLB Tác giả tác phẩm sẽ là một trong 4 hoạt động chính mà hội đã xúc tiến để phát triển văn hóa đọc (3 hoạt động còn lại là sách cho trẻ em; xây dựng phố sách; vận động trẻ em đọc sách và viết cảm nhận). Một điểm rất quan trọng trong sự phối hợp này là thư viện sẽ cung cấp miễn phí mặt bằng, chiếu sáng, âm thanh… Các đơn vị làm sách chỉ cần lo về nội dung cùng các dịch vụ đi kèm.

Có một ưu thế không thể phủ nhận là không môi trường nào phù hợp cho văn hóa đọc hơn là ở một thư viện nhất là một thư viện có quy mô lớn như Thư viện KHTH TPHCM. Theo bà Gìn, một trong những điểm mạnh của thư viện là có thể linh hoạt bố trí mặt bằng phù hợp với nội dung riêng của các cuộc giao lưu như sách thiếu nhi, thiếu niên có thể tổ chức tại khu vực thư viện thiếu nhi, sách kinh tế, xã hội tại phòng đọc doanh nhân, sách chính trị tại sảnh chính… Thậm chí nếu các đơn vị có nhu cầu có thể tổ chức ngay tại khu vực cà phê sách ngay bên cạnh.

Có thể nói, việc Thư viện KHTH TP mở rộng vòng tay chào đón các hoạt động văn hóa đọc đã tạo nên một cơ hội lớn cho các đơn vị làm sách khi có được một không gian tuyệt vời cho sách. Hơn thế nữa, đây cũng là nơi lý tưởng để quảng bá sách vì rõ ràng người đến với thư viện là những người đọc sách, yêu sách và các hoạt động như trên sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của bạn đọc.

Nhưng cũng có một trở ngại là do đặc thù của hoạt động thư viện đòi hỏi sự yên tĩnh, tránh ồn ào nên việc tổ chức các sự kiện không thể diễn ra liên tục mà cần có sự giãn cách về thời gian thành từng tháng, từng tuần. Tuy nhiên, trong điều kiện còn chưa thể có được những không gian dành riêng cho hoạt động giao lưu văn hóa đọc thường xuyên thì việc CLB Tác giả tác phẩm vẫn là điểm đến phù hợp nhất hiện nay.

TƯỜNG VY

Chọn địa điểm giao lưu tác giả tác phẩm: Dễ mà khó ảnh 2

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục