Chốn yên bình của trẻ mồ côi

Thật ấm lòng, khi tấm lòng của Thượng tọa Thích Thiện Chiếu được các phật tử và cộng đồng xã hội thấu hiểu, cùng nhau chung tay đóng góp, xây dựng, duy trì mái ấm tình thương suốt hàng chục năm qua. 
Thầy Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2, cùng các em nhỏ ở mái ấm tình thương
Thầy Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2, cùng các em nhỏ ở mái ấm tình thương

Mái ấm tình thương nằm trong khuôn viên chùa Kỳ Quang 2 (154/4A đường Lê Hoàng Phái, phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM) trở thành mái ấm yên bình của 380 trẻ mồ côi, bệnh tật suốt hàng chục năm qua. Người mang hạnh phúc, niềm vui cho các trẻ nơi đây chính là Thượng tọa Thích Thiện Chiếu, trụ trì nhà chùa. 

Lòng từ bi rộng mở

Từ những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trước cổng chùa, trong nhà xe, đến những đứa trẻ lang thang kiếm sống vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo khó, đều được các sư trong chùa dang rộng vòng tay che chở, bao bọc, nuôi dưỡng và cho đi học ở lớp học tình thương. Nhiều trẻ bị bệnh, khuyết tật bẩm sinh, mồ côi cũng được nhà chùa nhận về chăm sóc. Thượng tọa Thích Thiện Chiếu chia sẻ: “Cơ duyên bắt đầu vào năm 1994, khi ấy có 4 - 5 em nhỏ khiếm thị lang thang, kiếm sống. Vừa đói, vừa khát, chúng nằm lả đi trước cổng chùa. Khi thầy nhìn thấy, thương cảm nên đã nhận các em về chăm sóc, nuôi dưỡng. Từ đó đến nay cứ dăm bữa nửa tháng, lại có người mang con đến đặt trước cổng chùa, trong nhà xe, để nhà chùa nuôi dưỡng. Phần lớn họ đều là gia đình nghèo khổ, túng thiếu, đông con, những đứa trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, gia đình không nuôi nổi. Lòng từ bi thôi thúc thầy phải bắt đầu tập pha sữa, học cách chăm sóc những đứa trẻ sơ sinh”.

Về nguồn kinh phí để duy trì mái ấm, vị trụ trì chùa cho biết, từ trước đến nay, nhà chùa không có bất cứ nguồn thu chính nào mà chủ yếu chỉ nhận sự hỗ trợ từ phật tử, người dân và các mạnh thường quân. Các sư trong chùa thường xuyên khuyến khích mọi người nên làm nhiều việc thiện. Thay vì thắp nhang, đốt vàng mã, cúng viếng tại chùa thì nên ủng hộ gạo, lương thực thực phẩm, tiền mặt để giúp các em nhỏ mồ côi có một cuộc sống tốt đẹp hơn, vượt qua số phận, hòa nhập với cộng đồng. 

Các em nhỏ ở đây rất đáng thương, mỗi em một hoàn cảnh, một số phận khác nhau. Nhìn ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên nói cười của các em, ai cũng xúc động, nao lòng. Có em bị tâm thần, suốt ngày chỉ biết cười nói một mình. Có những em bị nhiễm chất độc da cam, não úng thủy, phải nằm một chỗ, sống đời sống thực vật.

Lớp học tình thương

Các em nhỏ ở chùa đều được các sư chăm sóc tận tình từ lúc mới lọt lòng và gọi sư trụ trì bằng cách gọi trìu mến: “cha”. Đến tuổi, các em được thầy cô Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận Gò Vấp) tình nguyện dạy lớp phổ cập từ lớp 1 đến lớp 5, ngay trong khuôn viên nhà chùa. Sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, các em được chuyển đến các trường trên địa bàn quận để tiếp tục theo học các cấp cao hơn. Hiện tại, trong tổng số 380 em nhỏ được nhà chùa nhận nuôi dưỡng, có 135 em đang được đến lớp.

Em Trần Từ Hiền (12 tuổi) hồn nhiên cho biết: “Em sống ở chùa từ khi còn nhỏ, nên không biết mặt cha mẹ, hiện em đang học lớp 6. Sau giờ học, em còn phụ giúp các thầy dọn vệ sinh, quét rác ở sân chùa. Nơi đây có nhiều bạn bè rất vui, các thầy cô và mọi người đều rất tốt với em”. Em Trần Xuân Thông (15 tuổi), hiện đang học lớp 7, tâm sự: “Nghe mọi người kể, em bị bố mẹ bỏ rơi trước cổng chùa ngay từ khi còn nhỏ và được sư thầy nhận nuôi. Ở đây rất vui, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để hy vọng có một ngày sẽ được gặp lại bố mẹ”.

Thật ấm lòng, khi tấm lòng của Thượng tọa Thích Thiện Chiếu được các phật tử và cộng đồng xã hội thấu hiểu, cùng nhau chung tay đóng góp, xây dựng, duy trì mái ấm tình thương suốt hàng chục năm qua. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều em trưởng thành, khôn lớn từ chính mái ấm này. Trong đó, có nhiều em đã vượt qua nghịch cảnh, phấn đấu học tới chương trình trung cấp nghề, cao đẳng, đại học và hiện đã có việc làm, thu nhập ổn định.

Người đời thường nói, không ai có thể chọn cho mình nơi sinh ra. Dù số phận đưa đẩy các em nhỏ đến cuộc đời bất hạnh, nhưng các em đã may mắn tìm được một chốn yên bình để nương thân, khôn lớn.

Tin cùng chuyên mục